ÍT NHẤT TÔI CÒN NHỚ
ÍT NHẤT TÔI CÒN NHỚ
Hôm nay ngày 2.11, nhiều người nhắc về ngày mất của cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.
Tôi nghĩ tôi nên viết vài ký ức của tôi trong thời gian này, tự xem mình như một nhân chứng của thời cuộc.
* Tuổi thơ của tôi ít nhất là những năm học tiểu học tại Huế và Sài gòn (1956 - 1963). Ít nhất tôi còn nhớ những câu khẩu hiệu khi thầy giáo vào lớp học, các học sinh đồng loạt đứng lên hô to: "Ngô Tổng thống muôn năm"... Lớp học của chúng tôi luôn được treo hình của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
* Ít nhất tôi còn nhớ những buổi lễ rước kiệu Hai bà Trưng ngập tràn đường phố. Thời đó bà Ngô Đình Nhu luôn là biểu tượng của Đệ nhất Phu Nhân với mái tóc bới cao, chiếc áo dài chít eo bó sát và cổ áo hở kiểu cánh thuyền, thoải mái nhưng vẫn kín đáo. Bà Ngô đình Nhu luôn tổ chức những nghi lễ nâng cao vai trò của người phụ nữ.
* Ít nhất tôi còn nhớ những buổi vận động tranh cử của các ông bà nghị viên. Tranh cử ngày đó rất tốn kém bằng tiền cá nhân của các ứng cử viên. Họ đến thăm các trường học để vận động phụ huynh học sinh với các lời hứa sẽ thực hiện các mục tiêu cho an sinh xã hội và giáo dục. Học sinh chúng tôi được họ phát kẹo và tập vở có in hình của họ. Các áp phích nói về tiểu sử lai lịch của các ứng cử viên được dán trân trọng trên các ô tường của trường học.
* Ít nhất tôi còn nhớ những cuộc biểu tình xuống đường bất bạo động của sinh viên, học sinh, của phật tử vì sự đàn áp Phật giáo của thời ông Diệm. Nghĩ lại ngày đó rất căng thẳng giữa hai tôn giáo chính, là Công giáo và Phật giáo, có những người yêu nhau mà phải chia tay, từ giã nhau chỉ vì cha.mẹ và họ hàng đôi bên ngăn cấm. Có nhiều hoàn cảnh thật nghiệt ngã. Những áp lực ấy không chỉ đến từ chính quyền với người dân, mà đến từ những ảnh hưởng tôn giáo của người dân với nhau, đến từ các quan điểm khác nhau của các phong trào sinh viên học sinh với nhau.
* Ít nhất tôi còn nhớ những tiếng súng đì đùng và đài phát thanh tuyên bố đảo chánh thành công ngày 1.11.1963, rồi sự im lặng sợ hãi cho đến chiều ngày 2.11.1963, những người đảo chánh đã tuyên bố cái chết của hai ông Diệm và Nhu (ám sát), tuyên bố tình trạng thiết quân luật và công bố danh sách các tướng lĩnh tạm thời điều hành quốc gia.
* Lịch sử, luôn là lịch sử, khen hay chê cũng là lịch sử. Sử ký ghi lại sao có thể bỏ qua không viết về một thời kỳ của xã hội VNCH và sự sống của người dân Saigon Gia Định và Miền Nam Việt Nam thời đó.
Tôi suy nghĩ thế.
Nguyễn Thị Sơn
2.11.2021
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
2- 0
- 2
- 0
- 0
- 0
- 0