DOANH NHÂN VÀ SỰ ĐỔI MỚI

KÝ ỨC

DOANH NHÂN VÀ SỰ ĐỔI MỚI

 

Hôm nay 13.10.2024, Ngày truyền thống vinh danh giới Doanh nhân, những người quản lý doanh nghiệp.

Mọi người đã lai rai họp nhóm, hội tụ các doanh nhân thuộc các ngành nghề trong suốt tuần qua... Nhiều hội nghị cấp Nhà nước cũng được quan tâm. Nhiều câu hỏi năm nay đặt ra xoay quanh những chủ đề về Chính sách Nhà nước, về Thể chế, về Cơ chế quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô...

 

Tôi nhớ về những ngày cũ, khoảng thời gian từ 1975 đến 1990, nhiều chuyện để nói, để viết, nhiều chuyện từ cái khó BÓ cái khôn, nhiều chuyện từ cái khó LÓ cái khôn.

Nhưng trong khuôn khổ bài viết trên FB, hôm nay Ngày Doanh nhân, tôi chỉ viết về 1 câu chuyện mà giữa lằn ranh DÁM NGHĨ - DÁM LÀM và CỐ Ý LÀM TRÁI, người doanh nhân có thể sống hoặc chết. May quá, ngày ấy khát vọng để tồn tại, để vươn lên đã có một quyết định nhân văn mà tôi nhớ mãi.

 

Năm 1987, sau chính sách ĐỔI MỚI của Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Nhà nước các cấp, lãnh đạo quận 10 quyết định bổ nhiệm tôi - Chị Nguyễn Thị Sơn, không phải Đảng viên làm Giám đốc Xí nghiệp Giầy da May mặc quận 10 (sau đó đổi tên thành Công ty LEGAMEX). Một xí nghiệp nhỏ bé của quận, không có vốn, còn nợ lương công nhân, khoảng 30 lao động đóng giầy da mà không có da để làm, không có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, chỉ nhận làm gia công mũ giày cho Doanh nghiệp quốc doanh của Thành phố.

Quận giao cho xí nghiệp nhiệm vụ giải tỏa một phần khu Nghĩa địa Đô Thành để xây nhà máy mà quận không cấp vốn, không có một đồng nào cả (chính xác theo nghĩa đen).

Để có tiền trả lương công nhân và có chút vốn mua vật tư nguyên liệu, vải vóc, da thuộc,.. để thiết kế mẫu mã đưa ra thị trường tiêu thụ theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, tôi về mượn gia đình 20 cây vàng đem vào Xí nghiệp đưa cho đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Phó giám đốc đem bán lấy tiền làm vốn. Thoạt nhìn 20 cây vàng, đồng chí H. rất vui nói với tôi "lần đầu tiên tôi nhìn thấy vàng núi", tỏ ra rất phấn khởi khi có tiền trả lương công nhân. Nhưng sau đó đ/c H. tỏ ra lo lắng, bán vàng ở đâu? (Thời điểm đó chưa có cửa hàng bán vàng, tư nhân chưa được phép kinh doanh vàng) và với trách nhiệm của Bí thư chi bộ đ/c H. phải xin ý kiến lãnh đạo Thường vụ Quận ủy Quận 10.

 

Hôm sau tôi được Quận thông báo khẩn, Thường vụ Quận ủy mời tôi họp lúc 6 giờ chiều để giải quyết việc quan trọng.

Khi tôi đến họp đã đông đủ các thành viên của Thường vụ do Chú Tư Nhơn, Bí thư quận ủy Quận 10 chủ trì cuộc họp, khuôn mặt ai cũng nghiêm nghị không cười nói vui vẻ như mọi ngày.

Chú Tư Nhơn mở đầu cuộc họp, yêu cầu tôi giải trình về việc cho Xí nghiệp mượn 20 cây vàng và làm rõ hai câu hỏi:

1. Lý do Xí nghiệp phải vay 20 cây vàng?

2. Vàng do bà Sơn cho vay nhưng tại sao không để tên bà Sơn mà để tên người khác cho vay?

Không khí cuộc họp im lặng, không một tiếng động. Hình như mọi người đang căng thẳng chờ tôi giải trình.

 

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy tôi hồi đó đúng là một người "điếc không sợ súng", tôi dõng dạc trả lời:

1. Các đồng chí giao cho tôi làm giám đốc xí nghiệp mà không cấp vốn cho xí nghiệp. Nợ lương công nhân, giám đốc cũ chưa trả, làm sao tôi có thể điều hành công việc kinh doanh?? Muốn có vốn phải vay mượn. Xí nghiệp không có tài sản thế chấp hay đủ uy tín để vay tín chấp ngân hàng. Tôi buộc phải vay mượn người quen. Thế các đồng chí có muốn Xí nghiệp đi vay hay không? Không muốn thì tôi thu hồi trả lại không vay nữa...

2. Các đồng chí hỏi, tại sao tôi cho vay không để tên tôi mà để tên người khác? Thế tôi hỏi các đồng chí hai câu hỏi: Một là các đồng chí có dám đảm bảo không đánh tư sản khi tôi cho Xí nghiệp mượn vàng không?, Hai là, hoàn cảnh gia đình tôi, chồng tôi mới chết, các con tôi còn nhỏ, tôi làm giám đốc xí nghiệp phải thường xuyên đi công tác xa, tìm kiếm khách hàng đối tác kinh doanh, mới tháng trước đi Nga, tháng sau đi Đức, đi Tiệp, Ba Lan... rày đây mai đó, lỡ tôi rớt máy bay, ai sẽ nhận lại số vàng này để nuôi các con tôi...? Tôi nhờ người trong gia đình đứng tên vì lẽ đó. Vàng cho mượn là vàng thật, có giao thật sự cho đ/c Bí thư chi bộ của xí nghiệp. Nếu các đồng chí sợ cơ chế quản lý thì tôi nhận lại không cho vay nữa.

 

Mọi người lại im lặng không ai phát biểu gì cả. Trầm ngâm một lúc khá lâu. Chú Tư Nhơn, Bí thư Quận Ủy Quận 10 kết luận:

1. Chính sách Đổi mới của Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp cơ chế quản lý kinh tế trong giai đoạn mới. Doanh nghiệp tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh trước pháp luật. Việc vay vốn của Xí nghiệp là việc làm cần thiết theo chính sách Đổi mới của Đảng, của Nhà nước. Chúng tôi hoan nghênh việc đồng chí Sơn cho Xí nghiệp mượn tiền.

2. Chủ trương, chính sách Nhà nước đã có. Tôi thay mặt Thường vụ Quận Ủy cam kết là không đánh tư sản đối với người cho vay, kể cả với đồng chí Sơn.

3. Đồng chí Sơn nói tới việc rớt máy bay. Không ai mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng giả định điều đó có xảy ra, tôi cũng thay mặt Thường vụ Quận ủy sẽ đảm bảo hoàn lại số tiền vàng đã mượn đồng chí Sơn trả cho các con của đồng chí Sơn. Vì thế để cho minh bạch rõ ràng đồng chí Sơn cứ làm hợp đồng cho vay với tên của đồng chí Sơn.

Sau phát biểu kết luận của Bí thư Quận ủy, các thành viên Thường vụ của Quận ủy, khuôn mặt bớt căng thẳng, cười tươi hẳn ra, bắt tay tôi vui vẻ...

 

Kết luận của câu chuyện này:

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH, hay THỂ CHẾ chẳng ở đâu xa, chẳng có gì ghê gớm lắm... Mà nó ở trong những câu chuyện hằng ngày của Doanh nghiệp. Người lãnh đạo có tâm trong, lòng sáng thì tình sẽ thanh.

 

Mãi nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ về hai chữ "vàng núi" tức là chất lượng làm nên thương hiệu của vàng nên khi đặt tên cho công ty tôi chọn tên Sơn Kim (vàng núi) chứ không phải Kim Sơn (núi vàng).

Kính Chúc các Doanh Nhân mạnh khỏe, hạnh phúc, vững vàng trong sự nghiệp của mình.

 

* Câu chuyện xảy ra vào năm 1988, lúc ấy tôi 38 tuổi.

 

Hình chụp năm 1991 với công ty bạn ở Hàn Quốc, năm ấy tôi 41 tuổi.

 

Nguyễn Thị Sơn

13.10.2024

 

 

KÝ ỨC DN

Lượt xem

9

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0