TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 9 - THAM GIA THỊ TRƯỜNG ĐỨC

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 9 - THAM GIA THỊ TRƯỜNG ĐỨC

 

TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

 

Từ năm 1988 LEGAMEX trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Đông Âu nên hằng năm tôi đều tham dự Hội chợ Leipzig Trade Fair ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Đây là Hội chợ thương mại và công nghiệp rất quan trọng của Khối Comecon và cũng là nơi tổ chức cho các Thương gia và Chính trị gia của các quốc gia gặp gỡ giao thương.

 

Hội chợ mùa Thu năm 1988, LEGAMEX đạt huy chương vàng cho sản phẩm thêu tay tinh xảo. Một đặc điểm mà tôi nhận xét khi đi bộ từ khách sạn đến Hội chợ là các khu biệt thự của người dân Đức được trang trí rất đẹp, cửa sổ nhà nào cũng treo rèm voan trắng 2 lớp, có lan can đặt các chậu hoa hồng màu đỏ màu vàng, dưới sân được trồng nhiều loại hoa đủ màu sắc. Mùa Thu trời se se lạnh, hoa hồng nhung nở rất to. Người Đức thích hàng thủ công handmade. Các cô gái Đức rất đẹp khuôn mặt thánh thiện và giọng nói như chim hót, nhưng nhiều tuổi hơn một chút, phụ nữ Đức dáng cao hơn, khỏe mạnh hơn, vì thế hàng thời trang ở Đức khó chọn size vừa cho phụ nữ Việt Nam. Tôi cố gắng mua vài bộ cho hợp nhưng cũng rộng thùng thình…

Năm ấy Tổng bí thư Erich Honecker có đến thăm các gian hàng Việt Nam và tôi rất vui được chụp hình với ông.

 

Trong thời gian tham gia Hội chợ, chúng tôi có đi tham quan một số nơi như:

- Thành Cổ Dresden, thủ phủ của Bang Sachsen. Dresden là nơi sống và làm việc của các đời vua Sachsen, vì vậy Dresden là một thành phố có bề dầy lịch sử về văn hóa, kiến trúc và hội họa lâu đời nhất nước Đức. Lúc về tôi đã khệ nệ vác 2 bức tranh nổi tiếng vẽ Thành cổ Dressden với cô thiếu nữ ngồi giặt áo bên dòng sông có ánh trăng vàng chiếu xuống loang trên mặt hồ. Một bức vẽ cháu gái chơi đàn, khuôn mặt phụng phịu bên gia sư. Hai bức tranh này sau 35 năm vẫn còn treo ở nhà con gái Hồng Trang.

- Cung điện Sanssouci, là tên của Cung điện mùa Hè, trước đây của Friedrich Đại đế vua nước Phổ. Tên của cung điện này bắt nguồn từ tiếng Pháp “Sans souci” có nghĩa là “không lo lắng”, “vô ưu”. Cung điện Sanssouci là nơi để vua thư giãn, chứ không liên quan việc triều chính. Cung điện rất rộng với thảm hoa nhiều màu sắc. Bên trong cung điện treo các bức tranh thời Trung cổ và những hình ảnh vua và hoàng hậu rất đẹp. Lúc về tôi để quên máy chụp hình trên xe Taxi, tôi tiếc ngẩn ngơ vì mất nhiều hình ảnh mà tôi đã chụp trong suốt chuyến đi, nhưng về đến thương vụ tôi đã nhận được máy ảnh do anh tài xế Taxi biết chúng tôi trong đoàn Việt Nam nên đã hỏi thăm và đem đến tận nơi trả lại. Thật là đáng quý.

- Tham quan Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Đông Berlin với những tác phẩm điêu khắc và hội họa rất nổi tiếng của nước Đức…

 

Thời đó cán bộ đi công tác chỉ được cầm theo khoảng 100 Usd. Để tiết kiệm, chúng tôi ít đến nhà hàng ăn uống mà đến các cửa hàng tạp hóa gần đấy mua thực phẩm và hoa quả về nhà khách của Thương vụ tự nấu, tôi thấy giá cả hàng hóa rất rẻ, đi bất cứ cửa hàng nào ở Đông Đức mua một gói gạo cũng chỉ một Mark Đức. Khi nói chuyện với các anh chị Nghị, Mai ở Thương vụ Việt Nam, các anh chị đều bảo tuy vậy chứ khó khăn lắm, hàng tiêu dùng khan hiếm, đồng Mark Đức ngày càng mất giá. Nếu đổi 1 Usd ở Ngân hàng thì được 2 Mark, nhưng đổi bên ngoài thì được 6 Mark.

 

Mùa Đông năm 1989, tôi đến làm việc ở Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở Đông Berlin, và đi thăm một số nhà máy ở Berlin. Lúc ngồi trên máy bay của Hãng Hàng không Lufthansa, tôi sơ ý để một hạt cơm rơi vào kẽ răng, sau đó bị sưng buốt một bên hàm. Nhưng tôi cố chịu đau không than phiền gì cả. Khi đến nhà máy thuộc da hiện đại của Đông Đức làm việc, tôi ngạc nhiên vì ở đây như một thành phố thời trang của các sản phẩm từ da. Đại diện nhà máy giới thiệu từ khu vực kho nguyên liệu, xử lý nguyên liệu da thô, cho đến khu hoàn thiện da thuộc và sơn theo màu sắc yêu cầu của sản phẩm. Nhà máy có khu thiết kế và đào tạo kỹ thuật quản lý, có trường mầm non để giữ trẻ cho công nhân nữ, có trạm xá chữa bệnh cho công nhân, có các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, có hệ thống đóng gói sản phẩm theo băng chuyền tới bộ phận logistic, có đường ray để chuyển hàng hóa ra tàu. Khi đến Phòng Nha khoa, tự dung tôi đau răng không còn chịu đựng được nữa. Thế là tôi được ông giám đốc yêu cầu cô Nha sĩ khám răng cho tôi. Cô Nha sĩ trẻ người Đức cánh tay rất trắng cầm đèn pin và nhíp soi hàm răng của tôi và gắp nhẹ hạt cơm ra. Ôi sao mà nhẹ cả người. Nhưng cô phát hiện cái răng của tôi đã bị sâu nặng, nếu để như vậy thì ngày mai cơm lại rơi vào răng sẽ lại bị nhiễm trùng nguy hiểm hơn. Tôi hỏi trám được không? Cô ấy bảo tốt hơn nên nhổ bỏ. Khuôn mặt tôi căng thẳng dõi theo cánh tay di chuyển nhẹ của cô Nha sĩ, một lúc cô dơ chiếc răng lên hỏi tôi có gói mang về không. Tôi lắc đầu, thế là tôi đã để lại một chiếc răng ở Đông Đức để làm tin…

 

Sáng ngày 9/11 năm 1989, trời bắt đầu mưa lạnh, tôi và con trai Hoàng Tuấn cùng mọi người che dù ra đứng ở Bức tường Berlin chia cách giữa hai miền Đông - Tây nước Đức.

Nói là đập bỏ Bức tường Berlin hay nói là sự sụp đổ của Bức tường Berlin nghe có vẻ ghê gớm. Thực tế chỉ là chiếc xe cẩu đến cưa 2 mảng tường và xúc nhẹ mảng tường. Dân chúng hai bên đứng chờ sẵn và ùa sang ôm nhau, bắt tay nhau. Bên Tây Đức đã trồng sẵn cây thông rất cao trang trí đèn lấp lánh để đón mừng người dân Đông Đức.

Hoàng Tuấn chạy theo đám đông nhặt mấy mảng gạch rơi ra của bức tường để làm kỷ niệm.

Năm ấy, Legamex xuất khẩu áo Jacket, áo Sơ mi và quần Jeans cho thị trường Tây Đức, nhập thiết bị chuyên dùng cho các nhà máy cũng nhập từ Hãng Pfaff của Tây Đức nên những năm đó tôi thường xuyên sang thăm các nhà máy sản xuất công nghiệp ở Tây Đức.

Trước sự kiện Đông Đức và Tây Đức thống nhất (sau đó thành Nước Cộng hòa Liên bang Đức), các lãnh đạo ở nhà cũng thận trọng dặn dò tôi không chủ động đi sang Tây Đức dịp này, mặc dù các đối tác ở Tây Đức mời mọc.

Tôi chấp hành đi đến nơi về đến chốn.

 

Mùa Thu năm 1992: cùng thời gian này tôi tham gia hai đoàn đi công tác tại Cộng hòa Liên bang Đức, một đoàn đi theo Bộ Công nghiệp do Bộ trưởng Đặng Vũ Chư làm trưởng đoàn. Đoàn tiếp nối một tuần sau do Bộ ngoại giao CHLB Đức mời, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn.

Hai chuyến đi này cùng có mục đích là khảo sát, nghiên cứu chính sách Công nghiệp và Chính sách quản lý Kinh tế ở tầm vĩ mô sau khi thống nhất hai nước Đức.

 

Trong những buổi nghiên cứu, phần lớn là trưởng đoàn đặt câu hỏi, các thành viên ghi chép và cũng đặt câu hỏi.

Tôi quan tâm nhất là những câu hỏi với Hội đồng Thác Quản các doanh nghiệp ở Đông Đức. Ví dụ

 

1) Các Tập đoàn Công nghiệp Bia ở Đông Đức thường khép kín từ khâu đầu là tập kết nguyên liệu, sản xuất chính, đóng chai, gắn nhãn hiệu, đóng thùng, xuất hàng cho hệ thống phân phối, nên họ có phân xưởng sản xuất chính là bia, phân xưởng thổi chai, phân xưởng in ấn nhãn hiệu, hệ thống các cửa hàng. Như thế họ chỉ đóng một lần thuế. Nếu bây giờ Cơ quan Thác quản xẻ nhỏ doanh nghiệp quốc doanh, tư nhân hóa từng bộ phận có tư cách pháp nhân riêng thì thuế, hóa đơn phải lập riêng có làm đội giá thành không?

Câu trả lời là: “chúng tôi đã tính hết các yếu tố có khả năng làm đội giá thành sản phẩm. Nhưng việc chia nhỏ các pháp nhân doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội cho họ có động lực làm tăng năng xuất và có hiệu quả kinh doanh cao hơn, ví dụ doanh nghiệp in ấn không chỉ chờ lệnh của công ty in cái gì, số lượng bao nhiêu, mà họ chủ động chào hàng cho các doanh nghiệp khác, bán với giá thương lượng cao hơn chứ không phải giá ấn định của công ty mẹ…, khâu cung ứng supply chain cũng thế, họ không chỉ cung cấp cho công ty mẹ mà còn cung cấp cho các nhà máy khác với giá cả cạnh tranh. Hệ thống phân phối được tách ra, sẽ linh hoạt hơn trong việc nghiên cứu thị trường, điều động hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn…

 

2) Những câu hỏi liên quan đến đấu thầu, được giải thích về nguyên tắc đấu thầu công khai, được thông báo công khai trên truyền thông đại chúng. Hồ sơ được niêm phong gửi đến Cơ quan mời thầu trong thời hạn nhất định. Hạn chót gửi hồ sơ được ghi nhận theo ngày gửi thư từ bưu điện. Cơ quan nhận hồ sơ không được mở niêm phong hồ sơ xem trước. Công trình được thẩm định trong phạm vi chuyên môn được giữ kín. Ngày mở thầu, các hồ sơ xin đấu thầu được công khai gỡ niêm phong và công bố nội dung, giá cả…

 

3) Còn nhiều câu hỏi và câu trả lời khác liên quan đến chính sách sử dụng người tài và người lao động của các doanh nghiệp Đông Đức…, liên quan đến hàng hóa, tài sản, đất đai khi tư nhân hóa các doanh nghiệp Đông Đức mà trước đây những tài sản này thuộc sở hữu của nhà nước Đông Đức …

 

4) Có một câu chuyện nói thêm trong lúc giải lao. Mình khoe với một ông chuyên gia Tây Đức, trước đây mình có chụp hình với nguyên Tổng bí thư Erich Honecker. Người Đức thường thích để bộ râu kẽm dầy bao quanh miệng, nhếch mép cười (..) nói: “ông ấy đang là tội phạm chiến tranh”. Mình trầm mặt xuống trả lời: “tôi biết thưa ông, nhưng lúc chụp hình với tôi ông ấy là Tổng bí thư của Cộng hòa Dân chủ Đức thưa ông”. Ông ta gật gật cái đầu: “bà nói đúng”.

 

* Trong thời gian này chúng tôi cũng được mời tham quan một số di tích, thắng cảnh như ở Cologne có nhà thờ trăm chuông Cologne Cathedral, tham gia Hội chợ uống bia, thăm cảng Hamburg trên sông Elbe.

 

* Ở Hội chợ nào của Đức cũng có những trò chơi dành cho thanh thiếu niên. Đến gian hàng bắn súng trường. Tôi nhớ ngày xưa còn bé, thỉnh thoảng theo bố tôi đi bắn chim, ông dậy cho tôi cách để súng trường trên vai và cách ngắm vào tiêu cự, thế là tôi vào xin bắn, 3 lần trúng 3 con gấu bông. Ông chủ gian hàng sợ tôi ăn hết gấu bông của ông nên khua tay không cho tôi bắn tiếp...

(còn tiếp)

Trích tự truyện TINH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP,

Xuất bản năm 2006 – Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN

Nguyễn Thị Sơn

Sách tái bản năm 2019 – Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM

 

GERMANY 1988 (1)

 

GERMANY 1988 (4)

 

 

GERMANY 1992 (3)

 

GERMANY 1992 Hamburg

 

Lượt xem

3

Bày tỏ cảm xúc

1
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0