TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 1- TUỔI 17

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 1- TUỔI 17

TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
Ở tuổi 17 (1967) tôi bắt đầu có những nét duyên dáng của người con gái đến tuổi dậy thì, nước da trắng, người dong dỏng cao, khuôn mặt đầy. Bạn cùng trường gọi tôi là Hoài Tâm vì tôi có mái tóc cắt ngang và khuôn mặt hao hao giống ca sĩ Phương Hoài Tâm ở thập niên 60 thế kỷ trước. 
Tôi học năm nào cũng được khen thưởng toàn trường, và có nhiều năng khiếu như vẽ cũng đẹp, viết lách cũng tương đối lại cẩn thận nên được trường giao cho làm tờ bích báo của trường. Tôi thích môn học toán và lý hóa, buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn bài tôi thường làm trước các bài tập trong sách, nên khi thầy giáo cho bài tập vừa viết xong đề bài là tôi đã ra ngay đáp số, vì thế các thầy dạy toán lý hóa rất quý tôi nhất là thầy Cấp dạy môn toán đại số, luôn luôn ca ngợi tôi trước các học sinh trong lớp, tôi được khen càng thích và càng cố gắng học thật tốt các môn học này. Nhưng tôi lại lười học môn Pháp văn chỉ vì có một tuần tôi bị ốm không đến học, khi vào lớp bị thầy gọi lên trả bài, tôi chưa kịp ôn bài nên khi thầy hỏi tôi lúng túng và bị thầy mắng ngay tại chỗ, nên từ đó tôi tránh thầy và tự dưng không thấy thích thú khi học môn tiếng Pháp. Tiếng Anh là sinh ngữ chính của lớp tôi, làm bích báo của trường ngày ấy rất vất vả, phải kêu gọi mọi người viết bài, rồi phải trang trí sao cho tờ báo treo lên tường phải đẹp, phong phú và hấp dẫn người đọc, nhiều khi không đủ bài vở tôi và cậu em trai tôi (Nguyễn Đình Đại) phải tự viết dưới nhiều bút danh, kể cả dịch các truyện ngắn từ tiếng Anh đưa vào tờ báo. Thư viện của trường tôi ngày ấy có rất nhiều sách nước ngoài nhất là các sách nói về lịch sử các nền văn minh và danh nhân trên thế giới. Tôi có ý tưởng muốn trở thành nhà báo, nhà văn hoặc luật sư cũng từ công việc làm báo này.
Ở trường ai cũng khen tôi hát bài “Giọt mưa thu”, “Suối mơ” giọng cao giống ca sĩ Thái Thanh. Có lúc tôi đã mong mình sẽ trở thành ca sĩ, nhưng hình như tôi không có nghiệp làm ca sĩ nên mỗi lần có cơ hội thì tôi lại gặp những trục trặc nho nhỏ. Tuy vậy, tôi vẫn yêu thích ca hát và ngâm thơ khi có dịp. Trường tôi thỉnh thoảng vẫn tổ chức văn nghệ toàn trường hoặc tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các trường, mỗi lần như thế các thầy cô phải dàn dựng tập dợt rất công phu và lên chương trình cụ thể. Có một lần vào dịp tất niên nhà trường tổ chức đêm văn nghệ, sau đợt sơ tuyển tôi được chọn hát bài “Giọt mưa thu” nhưng đến trước ngày biểu diễn một ngày tôi đề nghị đổi sang bài “Trăng mờ bên suối”. Lúc hát thử ban tổ chức thấy bài hát này trữ tình hơn và không buồn bằng “Giọt mưa thu” nên chấp nhận cho tôi đổi, chẳng ngờ do tôi hồi hộp quá nên khi biểu diễn chính thức tôi quên lời một đoạn và hát không tròn câu vì thế trở nên mất bình tĩnh, không ngân cao như ý muốn được. 
Về thơ phú, hồi đó tôi không có năng khiếu làm thơ nhưng lại thích ngâm thơ và viết những bài bình luận thơ văn được điểm cao. Khi tôi còn đi học tôi không thích lắm nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vì thời ấy con gái chúng tôi cho rằng nghĩ nhiều về nhân vật này sẽ vận vào thân không tốt. Nhưng tôi lại rất thích cách ông bắt đầu câu chuyện khi ông mô tả nét đẹp và tính cách của Thúy Vân, Thúy Kiều ở tuổi trăng tròn mà từ các tính cách ấy đã xây dựng nên cuộc đời của Thúy Vân và Thúy Kiều sau này hoàn toàn khác hẳn. Một người an nhàn với cuộc sống gia đình ấm êm vì Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Còn một người thì đau khổ với phong ba bão táp vì Làn thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. 
Về bạn đồng môn, tôi có hai người bạn thân học với tôi từ lớp 6, một người tên là Tôn nữ Minh Thu, một người tên là Phạm Mỹ Lê. Hai người bạn này rất thích ăn mặc đẹp, mốt nào mới nhất hai bạn này cũng có, ngày ấy các bạn hay mở các buổi dạ tiệc ở gia đình và cũng hay mời tôi đến chơi nhưng tôi không biết khiêu vũ nên chỉ ngồi nghe nhạc. Hai bạn rất muốn chỉ cho tôi biết khiêu vũ nhưng tôi không học được, cho đến bây giờ khiêu vũ đã trở thành phổ biến tôi cũng không thực hiện được. Sau này bạn Minh Thu lấy một người chồng rất giàu có ở Sàigon và đã lập nghiệp ở Mỹ trước 1975, còn bạn Mỹ Lê lúc ấy yêu một sĩ quan không quân nhưng đã tử trận, sau 1975 gặp một người chồng tốt và đã định cư ở Santa Anna, California. Khi lên cấp 3 (hồi ấy gọi là đệ tam) hai lớp Anh-Pháp nhập chung, tôi cũng có thêm một số bạn cùng học ôn thi như các bạn Huệ Anh, Minh Tâm, Xuân, Thanh Sơn nhưng đã nhiều năm qua chúng tôi không gặp nhau, hình như các bạn cũng đang sống ở Mỹ. Có hai bạn ngồi ở cuối lớp nên lúc học cấp 3 không thân lắm nhưng sau này khi trưởng thành lập nghiệp chúng tôi có làm việc với nhau, đó là Phạm Mỹ Lệ (B), giám đốc xí nghiệp thêu Kimono thuộc công ty Legamex, bây giờ là chủ một công ty thêu hợp tác với Nhật Bản; anh Bông Nguyễn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của công ty Sơn Kim, (đã mất). 
Con gái tuổi 17 bắt đầu biết làm duyên nên cũng có nhiều anh chàng ngắm nghé chờ tôi trước cổng trường, thấy tôi ra là các anh lượn Vespa tới hỏi chuyện, nhưng tôi lại chú ý một anh chàng đi xe Honda 67 vì anh là tay đàn Guitar của nhóm học sinh năm cuối Petrus Ký, thỉnh thoảng vẫn sang trường tôi đàn trong các chương trình giao lưu văn nghệ giữa các trường. Ngày ấy một người con gái ngồi sau xe của một người con trai có nghĩa chấp nhận người ấy là “bồ” của mình vì thế mà tôi rất ngại khi thấy các anh cứ lẽo đẽo theo tôi, có khi tôi đi bộ cả 3 cây số mới về đến nhà nhưng nhất quyết không leo lên xe của ai cả. Nhiều người đeo đuổi mãi không được cũng giận bảo tôi là khinh người, làm cao.

 

Nguyễn Thị Sơn
Tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP xuất bản tháng 6 năm 2006 - Nhà Xuất bản HỘI NHÀ VĂN.

* Hình chụp tôi và các bạn học năm 1966, lúc ấy chúng tôi mới lên đệ tam (lớp 10 bây giờ)

(còn tiếp)

 

NTS 1966 (1)

 

NTS 1966 (2)

Lượt xem

54

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0