TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 3 - GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 3 - GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP
Lúc tôi ở tuổi 17, trong số những anh chàng lượn xe làm quen tôi có anh chàng chơi đàn Guitar thùng, đệm đàn cho tôi hát mỗi khi có giao lưu văn nghệ giữa các trường. Tôi thích hát những bài hát tiền chiến nên không thích các ban nhạc chơi đàn điện mặc dù mốt ở thời ấy là phải biết hát nhạc trẻ và biết nhảy “Twist”. 
Noel và Tết năm ấy (1967), các anh gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh cho tôi rất nhiều, ai cũng mua những tấm thiệp đắt tiền, có cây thông bạc, có tuyết phủ, có nhạc chuông và những lời chúc rất hay. Nhưng tôi lại có cảm giác rất vui khi nhận được một tấm thiệp tự trang trí bằng giấy trắng mỏng, những mảng vẽ phun bằng mực tím rất nhẹ nhàng, nét chữ đẹp và cứng rắn với lời chúc giản dị và ra vẻ đàn anh, gọi tôi là “nhỏ”. Rồi chúng tôi để ý quan tâm đến nhau, gửi thư và ảnh cho nhau, viết chung một cuốn lưu nhạc, chọn những bài hát mà cả hai đều thích. Anh tên là Nguyễn Hoàng Triệu nhưng tất cả thơ nhạc hoặc thư từ gửi cho nhau chúng tôi đều ghi “Băng Sơn – Trần Nguyên Anh” để bố mẹ tôi và các bạn tôi không phát hiện. Tôi nhớ lần đầu tiên anh hẹn tôi đi chơi, tôi sợ không dám nhận lời ngay vì bố mẹ tôi quản lý con gái rất chặt. Mãi sau tôi lấy cớ đi học ôn thi vì thế tôi vẫn mặc bộ áo dài trắng nữ sinh và hôm ấy làm duyên thắt một dải băng-đô đỏ trên đầu, sau này anh hay nhắc đến hình ảnh này và nói “đứng tim vì hồi hộp và vì em dễ thương quá”. Ngày ấy chúng tôi chả bao giờ nói đến từ “yêu” nhưng xem như “đã là của nhau”.
Chúng tôi kết hôn năm 1969, lúc ấy tôi 19 tuổi, cuối năm đó gần ngày Tết, tôi sanh cháu đầu lòng Hồng Vân, rồi sinh cháu thứ hai Hoàng Tuấn. Tôi vẫn đi học và tiếp tục công việc kinh doanh với nhịp sống sôi động của Sàigon. Tuy vậy, từ sau Tết Mậu Thân, tình hình an ninh ở Sàigon không được yên ổn như trước, các trường học cũng có nhiều xáo trộn, nhiều thày cô giáo đi đâu mất không thấy đến trường. Tinh thần phản chiến trong sinh viên học sinh ở khắp mọi nơi, thanh niên nhiều lớp hoang mang không biết mình sẽ ra sao. Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tất cả thanh niên bị buộc phải nhập ngũ nếu không sẽ bị buộc tội trốn quân dịch. Anh Triệu, chồng tôi lúc ấy đang là sinh viên y khoa, bị động viên đi học sỹ quan Thủ Đức, sau đó về học tại Học viện quân y, rồi chuyển về Quân đoàn Buôn Mê Thuột, sau cùng về công tác tại Quân y viện Vũng Tàu. Mặc dù vợ chồng ít được gần nhau nhưng có lẽ nhờ trắc trở như thế mà chúng tôi biết quý những giờ phút bên nhau, mỗi lần gặp nhau thì lại sinh một cháu. Tháng 8 năm 1974 tôi sinh cháu thứ ba Hoàng Anh, lúc ấy anh Triệu đang ở Ban Mê Thuột. Tết năm ấy tôi và cháu thứ hai Hoàng Tuấn đi Ban Mê Thuột ăn tết cùng bố các cháu. Chúng tôi ở tại khách sạn Anh Đào ngay trung tâm thành phố Ban Mê Thuột. Mọi người trong cơ quan anh đến thăm và nói: “chúng tôi phải gửi vợ con về Nha Trang vì có tin Việt Cộng sẽ tấn công Ban Mê Thuột, sao anh lại cho chị ấy ra đây” anh cũng lo lắng và thúc hối tôi về. Ăn tết xong tôi và cháu Tuấn về lại Sàigòn thì 1 tuần sau, điểm đầu tiên quân Giải phóng tấn công là khách sạn Anh Đào, Ban Mê Thuột. 
Tuy thời gian thăm Ban mê Thuột rất ngắn nhưng tôi cũng có dịp ngắm cảnh phố núi cao đầy sương; ra chợ mua hàng thổ cẩm và ngắm các cô gái Tây nguyên má đỏ mắt huyền rất đẹp. Kết quả của chuyến đi chúng tôi đã có một kỷ niệm rất quý đó là sự hiện hữu của cháu thứ tư Hồng Trang được sinh vào tháng 11 năm 1975. Cháu Hồng Trang có nuớc da trắng hồng và dáng người cao khỏe mạnh như các cô gái Tây nguyên má đỏ ở Ban Mê Thuột.

Nguyễn Thị Sơn
Trích trong TÌNH YÊU – GIA ĐÌNH – SỰ NGHIỆP

Xuất bản tháng 6 năm 2006 – Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.

* Hình chụp của tôi và anh Triệu năm 1968.

(còn tiếp)

Sách tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản VĂN HÓA - VĂN NGHỆ

 

NTS - NHT. 1968

Lượt xem

62

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0