TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 5 - THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẤT NƯỚC

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 5 -
THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẤT NƯỚC

TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP 
Sau khi thăm nuôi chồng về, tôi yên tâm hơn vì đã thực thấy anh bằng xương bằng thịt. Thỉnh thoảng dở những câu thơ ra đọc, tình yêu vợ chồng như được hâm nóng, tôi ổn định tinh thần và tích cực tham gia vào công việc kinh doanh sản xuất. 
1. *Tham gia sản xuất kinh tế tập thể: Cùng với bố mẹ và gia đình, chúng tôi kêu gọi các công nhân cũ của gia đình tham gia thành lập tổ hợp sản xuất, tham gia sản xuất hàng hóa cung cấp cho hệ thống phân phối thương nghiệp, may mũ tai bèo, mùng, quân trang, quân dụng cho lực lượng thanh niên xung phong, tham gia sinh hoạt Hôi Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Tổ hợp đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 công nhân tại địa phương, đa số là vợ và con sỹ quan chế độ cũ đang học tập cải tạo. Năm ấy tôi 27 tuổi, dáng người gầy và nước da trắng xanh do cùng một lúc phải làm quá nhiều việc. Nhưng những việc làm của tổ hợp đã được chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể các cấp đánh giá tốt. Trung ương hội Phụ nữ tổ chức Hội nghị “Phụ nữ đảm đang” phía Nam, tôi được báo cáo điển hình là người phụ nữ sản xuất giỏi, nuôi con giỏi. Hôi nghị “An ninh tổ quốc”, tôi được báo cáo điển hình và được cấp bằng khen vì có thành tích trong việc bảo vệ an ninh tổ quốc. 
Tổ hợp được đánh giá tốt, chương trình hợp tác hóa được khuyến khích vì khi ấy chỉ có hai thành phần kinh tế là quốc doanh và hợp tác xã. Tổ hợp Đại Thành được chuyển thành HTX bậc cao Đại Thành (năm 1977). Bố tôi được tập thể bầu là Chủ nhiệm HTX. Tôi là Trưởng ban Kế hoạch- Tài chính của HTX, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ HTX, Ủy viên Ban chủ nhiệm LHX quận, đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, rồi là Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM. 
Những năm xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, HTX vận động anh em xã viên tham gia nghĩa vụ quân sự, chính cậu em trai tôi (Nguyễn Đình Đại, đang là giáo viên) nhưng cũng tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Mặc dù những năm ấy HTX thật sự khó khăn nhiều mặt nhưng vẫn cùng với chính quyền địa phương kêu gọi mọi người góp công góp của để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận kể cả các thương binh được đưa về các quân y viện. Vì thế mặc dù rất bận rộn với công việc điều hành kế họach sản xuất của HTX, tôi vẫn tham gia các đội văn nghệ quần chúng tổ chức các buổi thăm nom, biểu diễn văn nghệ giúp các anh em quên nỗi đau thể xác và nỗi nhớ nhà (nhiều người bị thương rất nặng mất cả chân tay). Tôi lại ngâm thơ “Quê hương” của Giang Nam và hát những bài ca cách mạng: “Bóng cây Kơnia”, “Lá đỏ”, “Lên ngàn”….
Năm 1979 tôi được mời là đại biểu chính thức đi dự Hội nghị “Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ nhân dân tiêu biểu và anh chị em trí thức miền Nam” tại TP HCM. Cuối năm ấy kết hợp công tác ở Hà Nội, tôi về thăm quê ở xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Do hàng hóa của HTX Đại Thành đã được phân phối khắp nước qua hệ thống thương nghiệp nên tôi cũng quen biết một số anh chị ở Bộ Vật tư. Khi biết tôi ra Hà Nội các anh rất nhiệt tình cho xe Volga đưa tôi về tận quê. Xe vừa về đến đầu làng trẻ con đã vây quanh rất đông và reo hò luôn miệng “ô tô 2 đầu về làng”, các cô chú bên nội ra đón rất hãnh diện, nhưng chú Tiện em ruột bố tôi thì vẫn lạnh lùng, lúc tôi đến chào chú nói chậm rãi “vì bố cháu vào Nam mà chú ở ngoài này không được phấn đấu vào Đảng”. Tôi bèn đưa chú xem thư mời tôi là đại biểu chính thức dự hội nghị gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nói “chú không nên nhắc lại chuyện cũ nữa”. Chú xem thư mời và bảo “ừ con này tiến bộ” từ ấy chú mới vui vẻ nói chuyện với tôi và hỏi thăm sức khỏe bố mẹ tôi. 
Với những thành tích về sản xuất kinh doanh cũng như những thành tích tham gia các phong trào của địa phương và đóng góp cho xã hội, năm 1982 HTX Đại Thành được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và đến năm 1984 được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
2. *Trở thành cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: Năm 1984, định hướng và phát triển cơ cấu kinh tế của TP HCM là mở rộng ngành kinh doanh dịch vụ. Ngày đó mọi người gọi ngành dịch vụ là ngành công nghiệp không khói, thế là hàng loạt công ty dịch vụ các quận được thành lập. Quận 10 thành lập Công ty Dịch vụ quận, cử một đồng chí quận ủy viên là anh Tư Long về làm giám đốc. Bí thư quận ủy quận 10 là bà Năm Bắc và Chủ tịch UBND quận là ông Năm Thái đến HTX Đại Thành thuyết phục Ban chủ nhiệm HTX và rút tôi về quận, bổ nhiệm tôi là phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Dịch vụ quận 10. 
Tôi và anh Tư Long làm việc rất hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau mặc dù quan điểm, cách nhìn về cuộc sống và phương pháp quản lý của hai người đôi khi có khác nhau. Thỉnh thoảng tranh luận một vấn đề gì mới đều có vẻ căng thẳng. Anh em cán bộ trong cơ quan mỗi lần thấy chúng tôi phát biểu tranh luận căng thẳng trong các cuộc họp thường nói đùa “chiến tranh giữa các vì sao”. Anh Tư Long được đào tạo chính quy trong môi trường kinh tế chính trị với nền kinh tế kế hoạch tập trung, còn tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trong nền kinh tế thị trường tự do. Nhưng tôi thầm thừa nhận rằng mỗi lần tranh cãi tôi học hỏi nhiều ở anh tính tư duy có hệ thống. Còn anh thường nói với tôi, “nếu không có chị, thành công của công ty sẽ chậm hơn và có khi bỏ lỡ mất cơ hội để thành công”. 
Công ty Dịch vụ quận 10 phát triển tốt, từ những căn nhà xuống cấp của hệ thống thương nghiệp cũ nay đã được sửa chữa nâng cấp trở thành các trung tâm dịch vụ khang trang ở khắp các con đường chính của quận với các loại hình dịch vụ phong phú, kể cả tham gia lắp đặt hệ thống âm thanh ánh sáng cho nhà hát Hòa Bình.

Công ty Dịch vụ Quận 10 được xem là lá cờ đầu của thành phố HCM về ngành kinh doanh dịch vụ. Chỉ sau hai năm công ty được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng. Cá nhân tôi cũng được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố nhiều năm liền. Đồng chí Tám Đành phó chủ tịch quận được bổ nhiệm là Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ thành phố. Đồng chí Tư Long Giám đốc công ty Dịch vụ quận 10 được cử về quận thay thế chức vụ của đồng chí Tám Đành phó chủ tịch quận. Quận bổ nhiệm một đồng chí quận ủy viên khác về làm giám đốc công ty Dịch vụ. 
Tôi cảm thấy hụt hẫng vì quyết định này nên làm đơn xin chuyển công tác với lý do muốn được phấn đấu độc lập với tư cách giám đốc dù là bất cứ đơn vị nào. Sau khi nghiên cứu đề nghị của tôi, bí thư quận ủy lúc ấy là chị Hoàng thị Khánh cũng muốn để tôi có dịp thử thách và lúc ấy quận có một đơn vị kinh doanh đang khó khăn nên bổ nhiệm tôi sang làm giám đốc công ty, đó là Xí nghiệp Giày da May mặc quận 10.

Nguyễn Thị Sơn
Trích Tự truyện TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

Xuất bản tháng 6 năm 2006 – Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.

*Hình chụp năm 1979, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ các cá nhân tiêu biểu Miền Nam, tôi đứng bên cạnh chị Trương Mỹ Hoa

*Hình chụp năm 1985, Bí thư Thành ủy TPHCM  Nguyễn Văn Linh chủ trì hội nghị của Thành ủy, tôi đứng hàng đầu bên trái, bên cạnh là chị nguyễn Thị Phương Thảo.

(còn tiếp)

 

Nguyễn Thị Sơn

Sách tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản VĂN HÓA VĂN NGHỆ

 

Thủ tướng PVĐ 1979

 

Bí thư TU NVL - 1985

 

 

Lượt xem

71

Bày tỏ cảm xúc

1
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0