TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 4 - CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TÔI

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 4
CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TÔI

TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP
Trước ngày thống nhất đất nước, Sàigon ở trong tình trạng hỗn loạn, hàng ngàn lượt người chạy về Sàigòn từ các ngả. Nhà tôi ở giữa khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất, tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu quân đội cũ và dinh Độc Lập vì thế nằm giữa lằn đạn pháo kích của Giải Phóng quân. Cứ nghe thấy tiếng rít của pháo kích là tôi bế các con chui xuống hầm, nhưng không có điện, tối quá các con tôi khóc ầm ĩ không chịu lại phải trèo lên. Lúc ấy đầu óc tôi rất rỗng, nếu có chết cũng chẳng có cảm giác gì. Mọi người rủ nhau ra bến tàu di tản. Các gia đình xung quanh khu phố, hàng xóm chúng tôi sợ quá cũng đi theo dòng người nhưng ra đến đầu đường thì gặp pháo kích, người chết người bị thương chẳng ai giúp vì họ cũng sợ quá lo cho mình còn chưa xong nữa là lo cho ai, thế là mọi người lại quay về. Vì thế ngày 30 tháng 4 khi đài phát thanh đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, gia đình chúng tôi rất mừng, mừng thật sự vì không còn phải thấy cảnh chết chóc sợ sệt của chiến tranh.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả sỹ quan quân đội chế độ cũ đều ra trình diện và phải đi học tập cải tạo. Chồng tôi vui vẻ lên đường vì anh nghĩ mình là sỹ quan quân y không vướng nợ máu, cũng sẽ nhanh về thôi, nhưng tôi chờ cả năm cũng chẳng thấy tin tức gì. Phường mời tất cả vợ sỹ quan ra họp, nơi tôi ở là Phường 25 Quận 10, cư xá sỹ quan chế độ cũ nên rất nhiều chị đi họp mà lòng hoang mang vừa lo cho chồng, vừa không biết cuộc sống gia đình ra sao vì họ đã quen ăn trắng mặc trơn. Ngày ấy vợ sỹ quan sống chủ yếu dựa vào tiền lương của chồng bây giờ không biết làm gì mà sống, nhiều chị đem hết vòng vàng, hột soàn ra bán, nhà thì không bán được vì hồi ấy bán không ai mua. Một vị cán bộ phát biểu trong cuộc họp: “các chị phải tham gia lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, đừng trông đợi gì nhiều ở chồng các chị, vì những người này dù ít hay nhiều cũng là những người có nợ máu với nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện để họ học tập sao cho có thể hòa nhập với cuộc sống mới, vì vậy thời gian lâu hay nhanh tùy thuộc vào kết quả học tập cải tạo của chồng các chị và sự tiến bộ của các chị ở địa phương”. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn và tham gia sinh hoạt học tập đường lối chính sách nhà nước ở các tổ dân phố, tham gia lao động và làm thủy lợi ở các nông trường được phân công cho địa phương.
Về mặt kinh tế thì gia đình tôi không đến nỗi nào, cơ sở sản xuất vẫn hoạt động may áo Pull, T-Shirt. Những cửa hiệu ở Chợ Lớn vẫn vào đặt hàng để chuyển cho các mối ở miền Bắc vào lấy vì hàng lúc đó rất hút. Nhưng tôi cũng lo lắng không biết chính sách nhà nước về kinh tế và thương mại sẽ như thế nào, liệu còn được tự do buôn bán bao lâu? Chồng không có nhà, một mình gánh vác chuyện kinh doanh, chuyện nuôi dạy các con, bốn đứa sàn sàn năm một, đứa này ốm, đứa kia đau, cũng may trong nhà có bà u già trông nom chị em chúng tôi từ nhỏ bây giờ lại tiếp tục trông nom các cháu, thật là vất vả.
Bất ngờ tôi nhận được giấy đi thăm chồng (1977). Sáng sớm tôi và hai cháu lớn chuẩn bị đủ thứ, nào là mì ăn liền, thịt chà bông, đường, lương khô, quần áo lỉnh kỉnh để gửi cho bố các cháu. Ba mẹ con phấn khởi vì đã một năm các con không gặp bố, mà cũng chưa có dịp đi xe lửa. Trên xe đặc kín người, chúng tôi ngồi xít vào nhau trên quãng đường dài. Đến ga Long Khánh, tôi tưởng mình đến gãy cổ mất, phải ôm sát hai con vào lòng và cúi gập xuống vì những người đi buôn tránh thuế đã quăng những bao cá khô, bao gạo, củ sắn qua cửa sổ bất kể có người ngồi đó hay không.
Đến trưa tôi và hai cháu đến ga Trảng Táo và phải đi bộ hơn một giờ sau mới đến chỗ thăm nuôi. Vợ chồng chúng tôi gặp nhau ngỡ ngàng chẳng biết nói gì dù đã hơn một năm xa vắng, bao nhiêu chuyện để nói và mặc dù ở đấy chẳng có ai nghe. Trại cải tạo đã làm những căn nhà lá ở ngoài khu trại để cho người nhà thăm nom, mỗi gia đình mỗi gian riêng. Anh đen và gày vì phải lao động, nhưng vui vẻ tặng tôi mấy cái lược bằng nhôm có khắc bông cúc rất đẹp do anh làm trong lúc rảnh rỗi và quyển vở có nhiều bài thơ ngắn. Ngày xưa lúc còn yêu nhau anh đã chinh phục trái tim tôi bằng những câu thơ ngắn và nét chữ đẹp, bây giờ trong hoàn cảnh này còn thơ thẩn gì nữa, nhưng thật sự mấy câu thơ đã làm tôi mủi lòng.
Anh bảo cả năm không gặp vợ con nên khi nhận được tin tôi sẽ đi thăm anh mừng lắm, ở trại cải tạo suốt ngày lao động ở nông trường nắng gió, khi nghe tin vợ lên thăm anh cuống quýt lo cạo râu, ăn mặc tươm tất nhưng làm sao giống như thời ở nhà, và mong đợi vợ đến nỗi:
Nhìn mình không phải là mình
Nhìn quanh chỉ thấy toàn hình bóng em

Anh làm rất nhiều thơ cho tôi, cuốn thơ ấy sau nhiều lần dời chuyển chỗ ở đã thất lạc, tôi chỉ nhớ được vài bài, chẳng hạn:
Em ạ, chiều nay mưa vẫn rơi,
Mây đen che kín cả núi đồi
Cà phê bốc khói thương em quá
Chắc hẳn giờ này em đơn côi
Cong lưng gánh vác chuyện gia đình
Anh nhớ ngày xưa cô nữ sinh
Thơ ngây nho nhỏ anh thương lạ
Giúp đỡ mẹ cha quên cả mình
Bây giờ em nặng cả đôi vai
Mẹ cha, em nhỏ và tương lai…
Bốn con nhỏ dại, chồng cải tạo
Thức khuya dạy sớm lo ngày mai.
Em ạ, chiều nay mưa vẫn rơi
Nhớ em, thương nhớ dạ nào nguôi
Mây đen vần vũ sao nhiều quá
Đắng Cà phê anh nghe mặn môi

Tối hôm ấy, trước cảnh buồn và tĩnh lặng của núi rừng, gian nhà tranh nhỏ kê vừa đủ cái trõng tre, hai con đã ngủ, vợ chồng ngồi tâm sự bên nhau, chỉ một động tác nhẹ là nghe tiếng kêu cót két của chiếc trõng, tôi buồn cười và tự nhiên quên hết những nỗi vất vả của đời thường. Tôi lại hát nho nhỏ cho anh nghe những câu hát mà ngày xưa tôi hay hát. Cho đến bây giờ đã trở thành thói quen, tôi chẳng bao giờ thuộc trọn vẹn một bài hát mà chỉ thuộc những đoạn nào tôi thích và thích hát bất chợt những câu hát như thế.
Sáng sớm hôm sau tiễn tôi ra ga xe lửa, đường đi ra ga hôm ấy sao xa thế. Tôi không quen đi bộ đường xa nên có cảm giác đau thắt vùng lưng, đi một quãng lại phải ngồi nghỉ. Anh lo lắng cho sức khỏe của tôi nên chẳng nói gì nhiều ngoài việc dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe và nhắn gửi lời thăm gia đình. 
Vài tuần sau tôi nhận được bài thơ ngắn anh gửi về: 
Tiễn em về hôm nay
Sầu này dâng bay bay 
Sân ga buồn muốn khóc
Tiếng lòng anh, em hay 
“Mùa Thu chết trên cây sầu Đông”
Lời em hát êm như dòng sông
Dư âm còn vang mãi mãi
Trong hồn anh mưa say
Đến thăm anh mùa hoa
Bằng Lăng nở xa xa
Màu hoa hay màu áo
Sắc hồng trên lời ca
Đòan tàu lướt qua nhanh thật nhanh
Tình anh cũng bay trên cỏ xanh
Theo em về nơi phố ấy
Muôn đời không xa em… em yêu

Nguyễn Hoàng Triệu


Trích trong TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP

Xuất bản tháng 6 năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN

* Hình chụp cuối năm 1976, chụp hình các con để gửi cho bố các cháu, vì sinh bé Hồng Trang tháng 11 năm 1975 bố Hoàng Triệu không có nhà.

(còn tiếp)

 

Nguyễn Thị Sơn

Sách tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản VĂN HÓA - VĂN NGHỆ

 

CHILDREN 1976

Lượt xem

366

Bày tỏ cảm xúc

6
  • 0
  • 6
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0