TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 8 - MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 8 -
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP 

Sau khi đầu tư vào Nhà máy may mặc chúng tôi tiếp tục được Ngân hàng MIB hỗ trợ thêm 6.000.000 USD cho Dự án sản xuất giày dép. Ngân hàng Thanh toán quốc tế MBES cũng cho vay 1.000.000 USD vốn lưu động. Trong quan hệ với Ngân hàng Thanh toán quốc tế MBES có sự giúp đỡ của ông Chủ tịch MBES Khôkhơlop, ông Nguyễn Công Hải Vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tiến sĩ Phan Văn Tính, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở MBES.
Từ vốn tín dụng đầu tư dài hạn cho nhà máy, sản phẩm của công ty có tiếng tăm không những ở trong nước và thị trường truyền thống Đông Âu mà công ty còn mở rộng thị trường sang các quốc gia khác như Đức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. 
Thời kỳ ấy, Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn rất mới, các khách hàng khi đến Việt Nam thường đề nghị được giới thiệu đến tham quan và nghiên cứu mô hình kinh doanh theo cơ chế thị trường của Legamex và họ rất tin tưởng vào phong cách kinh doanh của Legamex. Một số nhà đầu tư đã thành đạt ở Việt Nam như Chiaphua Hong Kong Group (dự án căn hộ cao cấp Parkland liên doanh với Legamex), Quadrille Việt Nam (Nhà máy đầu tư 100% vốn nước ngòai tại khu công nghiệp Amata Đồng Nai), Pacific Brand - Australia (Nhà máy giày Grosby hợp tác sản xuất với Legamex)… đã nói rằng nhờ sự giúp đỡ ban đầu của Legamex khi họ mới đến Việt Nam mà họ đã có cơ hội để kinh doanh thành công ở Việt Nam.
Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của trung ương và các tỉnh thành khi đến thăm các nhà máy của Legamex đều khen ngợi, tôi được nhiều báo đài trong nước và ngoài nước viết bài ca ngợi như một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam trong thời kỳ đầu của chính sách mở cửa. Năm 1990, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm công ty Legamex. Ông rất hài lòng khi nhìn thấy các nhà máy của công ty đang khẩn trương đóng gói hàng hóa vào các container để xuất khẩu. 
Năm 1992 Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đến thăm công ty Legamex, tôi mời Tổng bí thư và đoàn đi thăm các nhà máy, lúc ấy công ty có 9 nhà máy trực thuộc. Lúc đi bộ qua các nhà máy, ông bảo công ty xây dựng nhà máy đẹp, bố trí khoảng cách không gian thoáng, như thế mới đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng ngừa cháy nổ. Các anh đi trong đoàn nói với tôi, nhận xét của ông không chỉ là lời khen của Tổng bí thư mà còn là nhận xét của nhà chuyên môn vì ông đã từng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông cũng bảo nếu tỉnh nào cũng có một công ty như thế này thì rất tốt.
Những năm ấy Thủ tướng Võ văn Kiệt, Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, Phó thủ tướng Phan văn Khải, Phó thủ tướng Trần đức Lương, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh và nhiều Bộ trưởng của các bộ ngành cũng đến thăm và động viên mô hình sản xuất đa dạng từ dệt kim, dệt nhãn hiệu, thêu, may, công nghiệp đóng giày thể thao của Công ty Legamex. Đặc biệt có các đoàn lãnh đạo của các nước cũng đã đến tham quan công ty như Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Thủ tướng Thái Lan Anand Pangarachum, Phó thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ Liên bang Nga, Bộ trưởng công nghiệp Úc John Kerin cũng đến tham quan và có những lời khen tặng công ty.

Đài truyền hình Nga rồi Đài truyền hình Nhật đã làm những cuốn phim nói về thành tựu của Việt Nam trong đó có đề cập đến sự thành công của hai người phụ nữ điển hình là bà Ba Thi và tôi:

Ngày ấy công ty Legamex xuất khẩu sang các thị trường lớn là Nga, Đức và Nhật. Các khách hàng của công ty là những tập đoàn lớn nên mỗi năm họ thường mời tôi sang làm việc và ký kết hợp đồng, mỗi lần sang làm việc họ đều đón tiếp rất chu đáo. Một lần tôi đến Nhật theo lời mời của các công ty Itochu, Nishoiwai, chờ sẵn ở sân bay có đại diện các công ty đối tác, các em tôi đang sống ở Nhật: Dì Hương Kaori Minami, Chú Ngọc, Chú Phước và hai cháu Uyên, Huy cũng đến đón. Đoàn quay phim của Đài truyền hình Nhật cũng có mặt và họ đi theo chúng tôi suốt chuyến công tác để quay những cảnh đàm phán làm việc của tôi và cảnh đoàn tụ của gia đình tôi.

Một lần khác sang Nga cũng thấy đoàn quay phim của Nga chờ sẵn ở sân bay và họ đi cùng chúng tôi suốt chuyến công tác ở Nga và vùng giá lạnh Siberi. Buổi tối về đến khách sạn tôi đã thấy hình mình trên truyền hình. Sứ quán Việt Nam tại Nga, các cơ quan thương vụ và đại diện Việt Nam tại các quốc gia Đông Âu cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi và công ty Legamex. Tôi nhớ một lần có dịp đi cùng đoàn doanh nghiệp Dệt May thuộc bộ Công nghiệp, trưởng đoàn là Bộ trưởng Đặng Vũ Chư đến Mascova và đi thăm các nhà máy sợi cotton ở Uzebekistan, Trong chuyến đi ấy Đại sứ quán Việt Nam tại Nga có buổi chiêu đãi đoàn, tôi được bố trí ngồi cạnh Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm. Khi tôi được giới thiệu Đại sứ bảo: “cô Sơn đấy à, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, nghe tiếng cô lâu lắm rồi hôm nay mới gặp”.

Năm 1992, Liên Xô có sự thay đổi lớn về thể chế chính trị, Một năm sau đó, NH quốc tế MIB bắt đầu khó khăn về cơ chế hoạt động nên đề nghị bán nợ cho các ngân hàng phương tây với giá 40% nợ gốc. Một lần nữa Công ty Legamex lại đứng trước một tình huống “Cơ hội và thử thách”. Tôi báo cáo với UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban chỉ đạo cổ phần hóa để xin ý kiến, đồng thời tiếp cận với Ngân hàng ING của Hòa Lan để nhờ tư vấn mua nợ vì việc này đối với VN quá mới, chưa có tiền lệ.
(còn tiếp)

Trích trong TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

Xuất bản tháng 6 năm 2006 – Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.

Nguyễn thị Sơn

Tái bản năm 2019
* Hình chụp các năm 1992, 1993 các Đoàn khách quốc tế đến thăm công ty LEGAMEX trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Thủ tướng Thái Lan, Phó Thủ tướng Nga, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Úc, Phái đoàn Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ .....

 

Phó CT UBND TPHCM N Văn Huấn tiếp đoàn Hội đồng Thương mại Mỹ năm 1993

 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng - 1992

 

Thủ tướng Thái Lan ANAND PANGARACHUM - 1992

 

PHÓ THỦ TƯỚNG LIÊN BANG NGA - 1993

 

BỘ TRƯỞNG BỘ C Nghiệp ÚC JOHN KERIN - 1993

 





 

Lượt xem

5

Bày tỏ cảm xúc

1
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0