TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 7 - PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 7 -
PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP
Tháng 8 năm 1987 tôi về làm Giám đốc Xí nghiệp Giày da, May mặc Quận 10.
Nhận trong tay quyết định bổ nhiệm giám đốc, quyết định giao giải tỏa khu nghĩa địa Đô Thành. Nhìn trên bảng cân đối tài khoản lúc bàn giao, tài sản chỉ có 6 triệu đồng tiền vốn lưu động (vàng lúc ấy 5 triệu đồng một lượng), một đơn hàng gia công cho Liên xô chưa giao được do hàng chất lượng kém.
Đang làm việc ở nơi phòng ốc khang trang của một công ty thương mại, dịch vụ lớn, về nơi làm việc tồi tàn ở một xí nghiệp nhỏ, rất nhiều nỗi khó khăn phát sinh. Đầu tiên là lương công nhân mấy tháng chưa thanh toán vì hàng gia công mũ giày cho Liên Xô không giao được nên xí nghiệp không có tiền trả lương.
Khi tôi đến dự họp về phân kế hoạch sản xuất với công ty đầu mối gia công của Thành phố về gia công mũ giày theo nghị định thư ký với Liên Xô. Ban tổng giám đốc công ty có vẻ ái ngại khi gặp tôi nên nói chung với mọi người: “có một số đơn vị làm hàng kém chất lượng, bây giờ lại thay đổi giám đốc, không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm với hợp đồng cũ”. Tôi đứng dậy trả lời ngay “tôi là giám đốc mới của xí nghiệp, hợp đồng cũ không giao được tôi xin nhận nợ và chịu trách nhiệm trả số nợ này, đề nghị các anh chị vẫn giao hàng cho chúng tôi sản xuất theo kế hoạch”. Khi bàn về kế hoạch mới, các nhà máy các quận khác cân đối kế hoạch chỉ dám nhận 60.000 sản phẩm/ năm. Tôi đăng ký 400.000 sản phẩm/ năm. Mọi người hỏi căn cứ vào đâu dám đăng ký kế hoạch như thế. Tôi trả lời: “kinh doanh sản xuất lo nhất là không có thị trường, còn đã có nơi đặt hàng rồi thì vấn đề tổ chức thực hiện là công việc của nội bộ, quyết tâm thì làm được”. Thế là tôi ký được hợp đồng. Tương tự như thế với Tổng công ty May thành phố.
Không những chỉ làm với các công ty thành phố, tôi đi thẳng ra Hà Nội ký với các công ty ở trung ương.
Đến phần thực hiện hợp đồng, tôi về báo cáo với quận phải xây dựng ngay nhà máy trên lô đất nghĩa địa mới giải tỏa. Quận hỏi tiền đâu? Tôi nói để đấy tôi lo. Đầu tiên tôi mượn gia đình để có tiền chi lương cho công nhân, tuyển cán bộ kỹ thuật giỏi để sửa chữa lô hàng kém chất lượng và giao hàng để khỏi đọng vốn. Sau đó tôi đến gặp bạn bè là những công ty đã từng là khách hàng cũ của HTX Đại Thành như Công ty Cung ứng xuất khẩu Tân Bình, Công ty Xuất nhập khẩu Tổng Hợp, xin vay xi măng, tôn, sắt thép; xong tôi đến Công ty xây dựng 14 xin họ chấp nhận xây trước trả tiền sau; đến Ngân hàng Công thương TPHCM, Ngân hàng Quận 10, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Đầu tư TPHCM trình bày phương án kinh doanh để xin bảo lãnh mở L/C và xin hỗ trợ vốn lưu động; tuyển thợ và đào tạo theo phương pháp dây chuyền công nghiệp, mỗi người một công đoạn nên không cần thợ có kỹ năng cao mà cần người điều hành chuyền sản xuất cho giỏi. Dây chuyền máy công nghiệp xin mua trả chậm của Công ty Du lịch Vũng Tàu.
Tiếp đó là việc tuyển dụng cán bộ quản lý và hình thành bộ máy tổ chức nhân sự theo mô hình công ty nhà nước. Giúp việc cho tôi lúc ấy có một số cán bộ nòng cốt: anh Phạm Hiển Phó tổng giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản, anh Nguyễn Văn Hùng Phó tổng giám đốc phụ trách tổ chức, anh Nguyễn Lai trưởng phòng kế hoạch, anh Đặng Ngọc Hùng kế tóan trưởng, chị Trần Thu Thủy trưởng phòng xuất nhập khẩu, anh Ngô Anh Dũng trưởng phòng kinh doanh, anh Phúc giám đốc xí nghiệp may quần Jeans, anh Hiếu giám đốc xí nghiệp Giày, anh Thanh giám đốc xí nghiệp may Áo Jacket, chị Hằng giám đốc xí nghiệp may Sơ mi, chị Châu giám đốc Trung tâm chứng khoán, cán bộ theo dõi gia công và thị trường có chị Ngọc Bích, anh Lý Chánh Đạo, anh Lý, chú Nguyễn Hữu Huynh, anh Hòang phụ trách xí nghiệp Da muối xuất khẩu, anh Đức phụ trách Legashop…
Khi khởi công xây dựng các nhà máy ở khu nghĩa địa Đô Thành cũ, đào hố móng gặp rất nhiều xương cốt vì khu nghĩa địa này có nhiều xác vô thừa nhận được chôn tập thể từ Tết Mậu Thân năm 1968. Khi anh Hiển báo cáo với tôi, tôi nói chịu khó bới tìm và đưa đi thiêu rồi gửi cốt vào chùa cho tử tế. Sau này tôi cũng cho lập miếu thờ liệt sĩ Lê Thị Riêng và hương hồn những người đã khuất ngay trong sân vườn của công ty. Trong thời gian xây dựng, một số trẻ bụi đời sống quanh khu nghĩa địa đến cướp xi măng, gạch, tôn, sắt thép, anh em bảo vệ rất khó quản lý. Anh Hiển phải mời người đứng đầu nhóm trẻ bụi đời đến thương lượng, khoán cho họ việc bảo vệ giữ an ninh khu vực, như thế mới được êm.
Phân công mỗi người mỗi việc, tôi đi Đông Đức và Tiệp Khắc để học tập về sản xuất giầy vì từ trước tôi chỉ có kinh nghiệm ở ngành may chứ chưa làm giầy bao giờ. Những ngày tôi đi công tác như thế tôi điều hành công việc bằng Fax. Tôi nhận được nhiều Fax thúc hối từ bên nhà, quận yêu cầu tôi về sớm.
Tôi về, nhà máy xây dựng gần xong; thiết bị tôi đặt mua cũng gần về. Thế là tôi chỉ huy lắp đặt và đưa công nhân đã được đào tạo vào hệ thống sản xuất dây chuyền. Lô hàng giao đầu tiên lại do chính bà giám đốc công ty May ở Liên Xô đến kiểm tra tại nhà máy mới nên được phía bạn hàng Liên Xô khen ngợi nhà máy trang bị tốt, chất lượng hàng hóa đạt yêu cầu. Bà đề nghị công ty nhận thêm đơn hàng ngoài kế hoạch (hàng ngoài kế hoạch giá công cao hơn và được trả bằng đối lưu hàng hóa). Tôi đồng ý và khách hàng đã chuyển nguyên liệu sang cùng với hàng hóa đối lưu là vải và sợi cotton để trả tiền công trước (sợi cotton lúc ấy ở Việt Nam rất khan hiếm cho các nhà máy dệt). Có được tiền công trả trước tôi vội trả ngay tiền xây dựng nhà máy và tiền xi măng sắt thép của các công ty bạn để giữ uy tín với họ. Phòng khách nhà tôi hiện nay vẫn còn trưng bộ ấm Samova do bà giám đốc công ty May ở Mascova tặng tôi từ ngày đó, xem đấy như một kỷ niệm của nước Nga, một biểu hiện của sự hợp tác thành công.
Không những trả nợ xây dựng mà công ty còn xin đầu tư vào khu Hội chợ quận 10 để giới thiệu sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng. Tháng 12 năm 1988 Xí nghiệp Giày da May mặc Quận 10 chính thức đổi tên là Công ty xuất nhập khẩu Dệt Da May – LEGAMEX. Thương hiệu Lega-fashion cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức các chương trình giới thiệu thời trang và tôn vinh nghề người mẫu Việt Nam.
Ngày ấy việc giới thiệu sản phẩm trên sàn diễn là việc rất lạ. Không có người mẫu chuyên nghiệp, tôi phải tuyển từ các đội múa Ba-lê rồi mời đạo diễn dàn dựng luyện tập. Khi biểu diễn gia đình các cháu sợ các báo chụp hình nên những màn trình diễn giới thiệu trang phục nội y phải may thêm khăn khoác ngoài. Khi ký hợp đồng biểu diễn với người mẫu, phần ghi ngành nghề người lao động tôi ghi nghề người mẫu, báo chí cũng ủng hộ đưa tin và bình luận rằng trong danh mục lao động nên có thêm nghề người mẫu.

Hoạt động kinh doanh sản xuất ngày càng phát triển mạnh nên nhân sự ngày càng đông. Ngoài số công nhân làm việc trực tiếp trong công ty có lúc lên đến 4000 người, Legamex còn giải quyết công việc làm cho khỏang 15000 lao động ở các xí nghiệp vệ tinh. Cán bộ các đơn vị trực thuộc cũng ngày càng tăng, anh Nhung bí thư đảng ủy, chị Bình trưởng phòng tổ chức, anh Nam giám đốc xí nghiệp may Lega-5. Chị Trà Khúc giám đốc xí nghiệp Dệt nhãn hiệu, anh Đông Triều giám đốc xí nghiệp may liên doanh với Ba Son, anh Phương giám đốc Lega-6, anh Cao Sơn phó giám đốc xí nghiệp giày, chị Hồng Vân giám đốc xí nghiệp Lega-4, chị Mỹ Lệ giám đốc xí nghiệp thêu Kimono... Các anh chị em cán bộ công nhân viên thường nói “đất lành chim đậu”. Tôi cho là “an cư mới lạc nghiệp” nên tạo cơ hội cho anh chị em ổn định cuộc sống bằng các chính sách đãi ngộ để mọi người phát huy tài năng đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Đầu năm 1989, do giữ uy tín giao hàng đúng kế hoạch nên phía bạn hàng Liên Xô mời tôi sang Mascova làm việc cho kế hoạch năm sau. Trước khi đi, tôi được anh Côn giám đốc Ngân hàng Đầu tư TP HCM cho biết thông tin về Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB và nói nhiệm kỳ này đại diện Việt Nam giữ vị trí Phó chủ tịch Ngân hàng MIB. Tôi báo cáo với quận và xin quận cử đoàn của quận cùng đi để chỉ đạo công việc tốt hơn.
Lãnh đạo quận 10 lúc ấy là anh Trương Tấn Biên Bí thư quận ủy, anh Tư Long Chủ tịch UBND quận, cử đoàn quận 10 gồm 7 người trong đó 4 vị là lãnh đạo quận là các anh Nguyễn Tín Trung Phó chủ tịch quận, anh Võ Ái Dân Chủ tịch HĐND, anh Bảy Mừng Trưởng ban kiểm tra Đảng, chị Thiện Giám đốc Ngân hàng quận 10, cùng tôi và cô Ngọc Bích, anh Lý thông dịch viên tiếng Nga. Các công ty tại Liên Xô tiếp đón đoàn rất chu đáo. Sau đó chúng tôi sang Ngân hàng Đầu tư Quốc tế MIB xin gặp ông Phạm Học Lâm, Phó chủ tịch MIB người Việt Nam và gặp ông Lưu Đức Thái, Vụ trưởng - chuyên gia tư vấn tín dụng Ngân hàng MIB. Hai ông cho biết một số thông tin và cung cấp một số chi tiết cụ thể để có thể vay được vốn của Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB. Chiều hôm ấy được sự trợ giúp của ông Lưu Đức Thái và anh Nguyễn Văn Bình cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (anh Nguyễn Văn Bình bây giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), chúng tôi chỉnh sửa lại phương án vay cho phù hợp với các tiêu chí của MIB và chỉnh sửa bản tiếng Nga cho phù hợp với các từ ngữ chuyên môn của ngành tài chính, ngân hàng quốc tế. Hôm sau chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông Chủ tịch Ngân hàng MIB người Nga. Sau khi chào hỏi và trao đổi mục đích chuyến thăm và làm việc cũng như trình bày phương án vay, ông Chủ tịch ngân hàng MIB phát biểu: “tôi thấy chị trên TV khi chị đến làm việc ở công ty May. Tôi đồng ý về nguyên tắc cho công ty chị vay vốn tín dụng dài hạn vì ba lẽ: một là Việt Nam là thành viên HĐQT của MIB nhưng chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam sang vay, hai là tôi rất yêu quý Việt Nam, ba là công ty chị rất đáng được chúng tôi cho vay vì làm ăn với Liên Xô có hiệu quả và vì phương án vay của chị có tính khả thi. Nhưng chúng tôi chỉ có quyền cho vay 6.000.000 USD, còn vượt hơn số đó phải có ý kiến của Hội đồng quản trị ngân hàng”.
Ngay chiều đó ông cho triệu tập họp nhóm chuyên gia tư vấn tín dụng, ký biên bản cuộc họp chấp thuận về nguyên tắc cho công ty Legamex vay 6.000.000 USD với điều kiện phải có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về đến nhà, tôi thông báo với các cơ quan báo đài và ra Hà Nội xin gặp Uỷ ban Kế họach Nhà nước để trình bày và đến gặp Ngân hàng Nhà nước xin bảo lãnh. Do lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam vay vốn Ngân hàng Quốc tế MIB tại Liên Xô để đầu tư sản xuất phục vụ các hiệp định thương mại với Liên xô nên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất ủng hộ và giúp đỡ thủ tục rất nhanh chóng. Ngày 31 tháng 8 năm 1989, Công ty Legamex đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng đầu tư quốc tế MIB vay 6.000.000USD. Tham dự và chứng kiến buổi lễ ký Hợp đồng có ông Nguyễn Ngọc Minh Vụ trưởng vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước và ông Tám Báo Phó chủ tịch UBND quận 10.

 

Trích trong Tự truyện TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

Xuất bản tháng 6 năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.
* Hình chụp năm 1989, Công ty Legamex ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế MIB tại Moscow
(Còn tiếp)

 

Nguyễn Thị Sơn
(Sách tái bản năm 2019)

 

Ký hợp đồng với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế MIB 1989

Lượt xem

8

Bày tỏ cảm xúc

1
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0