TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 6 - VĨNH BIỆT NGƯỜI CHỒNG THÂN YÊU

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 6 -
VĨNH BIỆT NGƯỜI CHỒNG THÂN YÊU

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP 
Cuối năm 1977, chồng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình và được bố trí về làm việc tại phòng khám lao của quận. Anh làm việc tận tình với người bệnh, và đã từng cứu sống nhiều người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh, nên cũng được bệnh nhân và các đồng nghiệp yêu quý. Thỉnh thoảng anh hay kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của những người bệnh, đa số bệnh nhân lao phổi là những người lao động nghèo, lao động quá sức mà sinh bệnh. Ngày ấy rất thiếu các phương tiện phòng ngừa lây nhiễm, máy móc thiết bị khám chữa bệnh cũng thiếu, thiết bị chụp x quang của phòng khám lao thì quá cũ kỹ. Có lần vì cấp cứu một người bệnh trong một cơn ho thốc máu bị đờm làm ngộp thở, khi người nhà đưa đến đã ở tình trạng rất nặng anh phải dùng tới phương pháp hô hấp nhân tạo để cứu sống bệnh nhân (các báo ngày ấy cũng đưa tin ca ngợi anh). Anh bảo anh chăm lo cho bệnh nhân một phần vì lương tâm và đạo đức nghề nghiệp “lương y như từ mẫu” mà cũng vì ý thức phục vụ xã hội, chăm lo cho những người bệnh là nhân dân lao động nghèo. 
Đối với gia đình anh là người chồng, người cha mẫu mực, thương yêu vợ và các con. Thấy tôi phấn đấu làm việc, anh động viên và chăm lo, dạy dỗ các con học tập để tôi đỡ phải vất vả. Hai vợ chồng vẫn có thói quen buổi tối anh đàn tôi hát, rồi chơi vài séc bóng bàn trước khi đi ngủ. Nói là chơi bóng thật ra anh dẫn banh cho tôi đánh vì chơi với các con tôi toàn bị nhặt banh. 
Tôi là người phụ nữ của công việc, của kinh doanh và quản lý, trong đầu tôi lúc nào cũng sẵn sàng với các con số và các bản báo cáo kế hoạch. Tôi ít vào bếp nhưng thỉnh thoảng vẫn thích làm bếp, hai món sở trường của tôi là “chả giò” và “thịt bò bít-tết”. Mỗi lần tôi làm chả giò thì các con tôi phải phụ nhặt rau, băm thịt, miến và củ đậu, tôi thì ngồi cuốn bánh, lúc chiên mỡ bắn lung tung tôi rất sợ nên anh phải vào phụ chiên. Thế là cả nhà làm bếp với bàu không khí nhộn nhịp cứ như chuẩn bị cho một bữa tiệc rất to. Các con tôi bảo mỗi lần mẹ vào bếp thì cả nhà bận rộn.


Từ ngày về làm việc ở phòng khám lao quận, anh bận rộn và hình như cũng không còn những cảm hứng đặc biệt nên cũng quên chuyện làm thơ, chỉ làm thêm cho tôi một bài nhân ngày sinh nhật của tôi, nói về quê hương tôi ở Từ Sơn, Bắc Ninh:
Quê hương em có sông Như Nguyệt
Ngày nay với tên gọi sông Cầu
Nơi đó, chín trăm năm thuở trước
Lý Thường Kiệt với chiến công hiển hách hàng đầu
Ôi ta yêu quê hương em dù ta chưa hẹn ước
Dù chưa bao giờ ta biết đến Từ Sơn
Nhưng vì yêu em, ta càng quý nhớ hơn,
Nhớ quê hương có nhiều sông dài ra biển rộng,
Nơi ấy đất đã dâng lên sự sống, 
Tạo hình hài và nuôi nấng em khôn,
Để rồi gặp em, ta yêu em như biển rộng sóng dồn.
Chính vì thế ta yêu tha thiết 
như tình yêu Từ Sơn bất diệt
Ta hát vang lên bản tình ca
Ơi quê hương, ơi Từ Sơn mãi mãi trong ta.

Gia đình hạnh phúc, các con học giỏi, sự nghiệp vững vàng, tôi cho rằng bề trên đã phù hộ chúng tôi, anh càng ngày càng phát tướng, khuôn mặt sáng hồng hào với vầng trán cao.
Rồi một hôm tự nhiên anh ngất sỉu, tôi lại cho là cao huyết áp. Nhưng khi nhập viện một thời gian và như tin sét đánh bên tai, tôi bật khóc và không tin khi nghe anh nói anh bị ung thư ở vòm hầu (cuối năm 1985).
Thời gian này thật là khủng khiếp với gia đình chúng tôi. Ở đâu nói có thuốc hay, có thày giỏi chúng tôi cũng đi, tiền của dồn vào tiền thuốc, tiền bệnh viện, ai mách gì cũng nghe. Anh thì đau đớn mỗi khi bị xạ trị, châm kim vào cuống họng. Nghe mọi người mách bảo có thày đông y giỏi chữa ung thư bằng nọc rắn, tôi cũng đưa anh đi khám và lấy thuốc. Uống nọc rắn vừa khó uống vừa tanh hôi, mỗi lần uống là mửa mật xanh mật vàng, tôi nhìn anh đau đớn mà chỉ biết khóc. Ngày ấy mua thuốc giảm đau đâu có dễ, tôi chạy khắp nơi, đến gặp các bác sĩ đồng nghiệp của anh để nhờ, các anh chưa hỏi tôi đã khóc, mọi người cũng thương cảm nhưng chẳng biết an ủi như thế nào. 
Anh bảo cố kéo dài sự sống được 5 năm chờ cháu út trưởng thành (năm ấy cháu út mới 7 tuổi vì năm 1978 chúng tôi sinh thêm 1 cháu nữa là 5 cháu). Nhưng đau ốm chưa được hai năm thì đã trở nặng, mỗi lần đau đớn là gắt gỏng la hét, tôi không biết tiêm thuốc mà lúc ấy cũng phải túc trực để chích thuốc giảm đau cho anh.

Anh ra đi trong một cơn ngộp thở vào lúc 4 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1987. Chuyện xảy ra cứ như một cơn ác mộng. Tôi bất động không biết phải làm gì, năm ấy tôi 37 tuổi, năm đứa con, cháu lớn 17 tuổi, cháu út 9 tuổi. Nhờ cơ quan, bạn hữu, và gia đình giúp đỡ, anh cũng được mồ yên mả đẹp.
Sau khi chôn cất anh xong, mấy mẹ con cứ dụm lấy nhau, trải chiếu xuống đất ngủ chung, nỗi trống vắng và sợ hãi cứ bao phủ căn nhà, phải đến mấy tháng tôi không dám về ngủ ở phòng mình vì cứ vào phòng là tôi lại tưởng anh đang nằm đấy.
Đến cơ quan thì do trước đó tôi đã làm đơn xin chuyển công tác, nên mọi người cũng ái ngại không dám giao quyết định mới. Bố mẹ tôi biết chuyện đều khuyên: “con là phụ nữ, hoàn cảnh gia đình như thế, làm phó giám đốc đỡ vất vả hơn, để còn thời gian lo cho các cháu, chúng nó đang tuổi mới lớn, khó lắm đấy con ạ”, rồi bố tôi bật khóc “ bố thương con ở nỗi trẻ chưa qua, già chưa đến mà đã góa bụa, biết rồi con có vững vàng vượt qua không, không đi bước nữa thì cũng tội nghiệp mà đi bước nữa thì khổ cho con cái”…
Tôi cũng băn khoăn, nhưng lòng tự trọng lớn hơn nên tôi vẫn cương quyết về đơn vị mới (tháng 8 năm 1987).

Nguyễn Thị Sơn

Trích TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP,

Xuất bản tháng 6 năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.
* Hình, Lễ tang anh Triệu tháng 4 năm 1987, với 2 con gái và 3 con trai còn nhỏ dại bưng bát nhang và di ảnh của bố.

(còn tiếp)


Nguyễn Thị Sơn

Sách tái bản năm 2019

 

Đám tang Bố Triệu 1987

Lượt xem

5

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0