TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 21 - TRƯỜNG THCS, THPT DUY TÂN

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 21 -
TRƯỜNG THCS, THPT DUY TÂN

 

TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP 

Kể từ năm 2015, Trường THCS, THPT Duy Tân đã tổ chức Hội Thi Thơ Facebook do nhà giáo Nguyễn Đình Đại, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Duy Tân khởi xướng. Mỗi năm Hội Thơ thu hút khoảng hơn hai trăm bài thơ của nhiều tác giả là những người yêu thơ, thích làm thơ , kể cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Các tác giả đến từ các vùng miền trên cả nước, từ rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ học sinh, sinh viên đại học đến các thầy cô giáo, nhà báo, nhà văn, bác sĩ, doanh nghiệp, từ những người lính biên phòng đến các sĩ quan trong quân đội, công an, các cán bộ đã nghỉ hưu,…, đặc biệt là các nhà thơ ở hải ngoại… Các bài thơ rất hay ở đủ thể loại, bao gồm thơ Đường luật, Lục bát, Song thất lục bát, Thơ Mới, Thơ tự do, ca ngợi cuộc sống, ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, những lời thơ mượt mà diễn đạt về tình yêu, tình cảm sâu sắc của học sinh đối với thầy cô giáo, tình nghĩa vợ chồng, công ơn của cha mẹ ông bà, tình yêu thương con người, yêu môi trường thiên nhiên, rất có ý nghĩa giáo dục học sinh… 


Các tập thơ đã được Trường THCS, THPT Duy Tân và Nhà Xuất bản Hồng Đức, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn phát hành. Những buổi tổ chức trao giải, các hình ảnh đẹp đã được các nhà thơ đưa lên Facebook. Từ việc tổ chức Hội Thơ, phát hành Sách Thơ Facebook, tôi có dịp quen biết nhiều anh chị yêu thơ trên Face Book. Tôi cũng bắt đầu làm thơ từ năm 2019, và cũng xuất bản được 3 tập thơ với 496 bài thơ với các chủ đề: Hạnh phúc quanh ta, Cuộc sống quanh ta, Cảnh sắc quanh ta.

Và từ đó với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trường Duy Tân, Facebook Son Nguyen Thi của tôi ngày càng có nhiều người vào kết nối.

 

Đối với các cháu học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, các cháu từ 11 tuổi đến 18 tuổi, thường gọi tôi là cô Sơn, cô Hiệu trưởng, cô Chủ tịch HĐQT một cách trẻ trung mặc dù tôi đã 74 tuổi, cháu nội tôi đã 28 tuổi. Tôi đã nghỉ hưu, nhưng vẫn có 2 tiết một tuần với lớp 12 để kiểm tra trắc nghiệm môn Tiếng Anh. Thỉnh thoảng tôi dạy học sinh hát các bài hát tiếng Anh cổ điển nên học sinh đối với tôi rất thân thiện, và tôi cũng có cảm giác gần gũi với học sinh khi cùng hát các bài Scarborough Fair, Beautiful Sunday, Happy New Year, When we were young one day, Blue is blue, Que sera sera….

Hôm nay tôi xin giới thiệu đôi nét về Trường THCS, THPT DUY TÂN là một trong những công việc chính mà tôi có trách nhiệm và yêu thích.

 

1)    THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG THCS, THPT DUY TÂN.
Tên trường ban đầu là Trường Trung học Dân lập Duy Tân được thành lập từ năm 1997, do các thầy cô giáo cùng góp vốn thành lập. Từ năm 2007, để phát triển mở rộng nhà trường và chuyển đổi theo mô hình Trường Trung học tư thục, Công ty cổ phần Đầu tư, Phát triển giáo dục Đông Nam Á (SEAEDI – South East Asia Education Development and Investment) đã tham gia góp vốn, chính thức hoạt động giáo dục tại số 106 Nguyễn Giản Thanh, Phường 15, Quận 10, TPHCM theo các Quyết định:
• Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2007 của UBND TP.HCM về việc chuyển đổi Trường Trung học Phổ thông Dân lập Duy Tân thành Trường Trung học Phổ thông tư thục Duy Tân.
• Quyết định số 5022/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2010 của UBND TP.HCM về việc chuyển đổi Trường Trung học Phổ thông tư thục Duy Tân thành Trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Duy Tân. 
• Quyết định số 287/27/QĐ/GDĐT-TC ngày 10 tháng 3 năm 2014 của Sở Giáo dục đào tạo TPHCM về việc cho phép hoạt động giáo dục.
• Cục Bản quyền Tác giả chứng nhận bản quyền LOGO DUYTAN HIGH SCHOOL theo giấy Chứng nhận số 1228/2017/QTG ngày 29 tháng 3 năm 2017.

 

 2) MỤC TIÊU VÀ TẦM NHÌN:
* Ý nghĩa của Tên trường DUY TÂN có nghĩa là MÃI MỚI (luôn luôn đổi mới). Logo của TRƯỜNG DUY TÂN được thể hiện bằng 2 chữ viết hoa D và T quyện vào nhau như hình Chim Bồ Câu trên nền Bầu Trời Xanh. Thông điệp của học sinh Duy Tân là Hòa Bình trên toàn thế giới
* DUY TÂN còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc cao đẹp, đó là tên của Nhà vua yêu nước DUY TÂN (Hoàng đế Đại Nam 1900-1945). 
* DUY TÂN cũng có ý hướng về Phong trào Duy Tân, phong trào vận động canh tân do Phan Châu Trinh (1872 - 1926) chủ trương khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hoá. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Muốn đất nước phát triển phải mở trường giáo dục và đào tạo cho dân có kiến thức quản lý, có kỹ năng nghề nghiệp. Thức tỉnh người dân có lòng yêu nước, tinh thần tự cường để chấn hưng đất nước. Khuyến khích dân mở mang kinh tế, khai hoang lâm, nông, ngư nghiệp, sản xuất, kinh doanh, phát triển công thương, lập các hội buôn lớn,…

* Với Mục tiêu, tầm nhìn và ý nghĩa tốt đẹp của tên trường DUY TÂN. Nhà trường luôn đặt ra các tiêu chí:
- Liên tục đổi mới toàn diện nhà trường, củng cố và nâng chuẩn chất lượng trường học; nâng cao chất lượng giáo dục, coi trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và phương pháp tự học cho học sinh; 
- Thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao năng lực sử dụng Tiếng Anh và Công nghệ Thông tin cho học sinh. Hợp tác với các tổ chức đào tạo trực tuyến online quốc tế để phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh.
- Phát triển Hệ thống giáo dục Trung, Tiểu học bao gồm các cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, mở rộng theo các dự án nhà ở chung cư cao cấp của SonKim Land. 
- Hợp tác liên thông với các trường Đại học, Cao đẳng trong nước, và các trường Đại học ở Mỹ, Canada, Đức, Úc, Nhật, Hàn, Đài Loan để các học sinh lớp 12 tiếp tục học những chương trình giáo dục tiến bộ khoa học của thế giới, có khả năng phục vụ, quản lý, xây dựng các thành phố thông minh theo xu hướng toàn cầu.

 

3) KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC:
* Trường THCS, THPT DUY TÂN tại quận 10 TPHCM là một ngôi trường có nhiều ưu điểm về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học hiện đại, là một ngôi trường có mức học phí phù hợp với đa số gia đình trung lưu Việt Nam và có chất lượng đào tạo, môi trường học tập phù hợp với môi trường giáo dục hội nhập quốc tế. Trường có đầy đủ các phòng chức năng, Phòng Computer, Phòng Thí nghiệm Hóa, Sinh, Phòng thực hành Lý, Nghề điện, Đồ họa Kiến trúc, Thư viện, Thể dục, Thể thao, Quốc phòng…, giúp cho các em học sinh rèn luyện các kỹ năng thực hành và phát triển tư duy, tự nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức tổng quát trong cuộc sống. Ban Giám hiệu có nhiều kinh nghiệm quản lý, có tâm huyết với giáo dục. Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, giàu kinh nghiệm, yêu nghề, mến học sinh và tận tâm trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh.

 

* Với thời gian hơn 20 năm tồn tại và phát triển cùng với truyền thống dạy tốt học tốt, hiệu quả đào tạo cao, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường luôn cân xứng với tỉ lệ đầu vào, Trường Duy Tân luôn đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT và đậu vào các trường đại học cao. Trường có nhiều học sinh đạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi Olimpic. Có nhiều học sinh đạt chứng chỉ quốc tế của các tổ chức giáo dục quốc tế như Coursera, CODE.org, Khan Academy…

 

* Trường Duy Tân được đầu tư bởi Tập đoàn Giáo dục Đông Nam Á SEAEDI, có chi nhánh SEAEDI LLC ở Boston là thủ phủ, thành phố lớn nhất của Tiểu bang Thịnh vượng chung Massachusetts tại Hoa Kỳ, có thể giúp các học sinh học liên thông với các trường Đại học lớn như Trường Đại học Boston University, Suffolk University Boston, Viện Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và giúp chỗ ở nội trú home stay cho học sinh ở Boston.
* Trường Duy Tân luôn hướng tới VÌ MỤC TIÊU TỐT NHẤT CHO HỌC SINH.

 

4) THƯƠNG YÊU HỌC SINH NHƯ CHÍNH CON CHÁU MÌNH.
Là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung học Tư thục Duy Tân - TPHCM, hàng ngày tiếp xúc với các học sinh cấp 2, cấp 3 tại TPHCM và học sinh nội trú từ các tỉnh về học. Từ tình thương yêu con cháu nên tôi cũng thương yêu các học sinh như chính con cháu của mình. 
Tôi thông cảm với nỗi lo lắng của PHHS, ngày nào cũng có điện thoại của PHHS gọi cho tôi, lo lắng việc học, việc ăn ở của các cháu. Bất cứ thông tin gì phản hồi từ PHHS tôi đều trực tiếp làm việc với Ban Giám hiệu để giải quyết. 
Thỉnh thoảng cũng có cháu chơi giỡn nghịch phá dẫn đến đánh nhau. Các thầy quản nhiệm báo cáo đòi đuổi học các học sinh bị xem là quậy phá. Tôi gặp các cháu, yêu cầu các cháu làm tường trình và mời PHHS cùng đến giải quyết. Tôi phân tích tâm lý và lỗi của từng cháu, rồi cho các cháu tự đưa ra hình thức kỷ luật và cho các cháu cơ hội để sửa chữa. Xử sự trước mặt cả hai bên PHHS, ai cũng thấy hợp lý, không ai thấy con mình bị ức hiếp mà còn thông cảm hiểu rõ sự việc từ sự hiếu động của tuổi trẻ, nhất thời gây ra lỗi cần được uốn nắn dạy bảo chứ không đến nỗi phải đuổi học, nên cả hai bên PHHS đều vui vẻ đồng tình với cách giải quyết của nhà trường.
Từ câu chuyện gia đình, đến câu chuyện của nhà trường, tôi muốn nói rằng tôi không đồng tình với cách dạy con “yêu cho roi cho vọt” của người xưa. Bố mẹ khi đánh con thường xuất phát từ cơn giận, mà giận quá thì mất khôn, sẽ dẫn đến đánh quá tay làm tổn thương các cháu về cả thể xác lẫn tinh thần, gây cho các cháu sự đau đớn và sự sợ hãi, hoảng sợ làm ảnh hưởng đến tâm lý xử sự của các cháu trong tương lai. Ở Trường, các thày cô càng không nên đánh học sinh, vì các thày cô không phải là bố mẹ ruột của các cháu nên không thể có cảm giác đau đớn khi đánh các cháu. Nhất là đối với các học sinh cấp 3, đang ở độ tuổi bắt đầu muốn làm người lớn nhưng chưa phải là người lớn. Các cháu bắt đầu biết tự ái trước bạn bè, hoặc trước một bạn học mà cháu có cảm tình. Những trường hợp vi phạm kỷ luật của học sinh, cần sự khuyến khích các cháu về lòng tự trọng, biết sự tôn kính thầy cô, sự thương yêu bạn cùng học và biết nhận ra những lỗi lầm để sửa chữa. 
Nhà trường có thể ví như một xã hội nhỏ, có học sinh giỏi, khá, trung bình và thậm chí có học sinh kém; có học sinh ngoan và học sinh chưa ngoan vì thế nhà trường quản lý học sinh vừa phải theo quy định của luật giáo dục, vừa phải theo quy chế học tập của nhà trường. Lớp học có thể xem như một gia đình lớn. Thầy cô là cha mẹ, học sinh là các con, thầy cô thương yêu chăm sóc dạy dỗ học sinh như con mình thì học sinh sẽ học chăm ngoan.

CẤP HỌC BỔNG CHO HỌC SINH NGƯỜI DÂN TỘC,

THÀNH CÔNG LỚN TỪ NHỮNG KHỞI ĐẦU NHO NHỎ

Năm 2008, Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXHCNVN và ông Trương Tấn Biên, nguyên Phó ban Tài chính Quản trị Trung ương đến thăm Trường THCS, THPT Duy Tân tại Quận 10, TPHCM.

Qua đó, tôi được biết bà Trương Mỹ Hoa cũng là Chủ tịch của Quỹ Học bổng Vừ A Dính - Quỹ học bổng mang tên người anh hùng Vừ A Dính trong lực lượng vũ trang nhân dân thời kháng chiến chống pháp, anh Vừ A Dính là người dân tộc H’Mông, hy sinh khi mới tròn 15 tuổi (1934-1949). Mục tiêu của Quỹ là kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng chung tay chăm lo việc học tập cho các học sinh dân tộc thiểu số. Xem những thước phim giới thiệu, các cháu học sinh vùng cao, vùng xa ở các tỉnh cao nguyên đi học qua cầu treo, lội sông, lội suối,… Người phụ nữ các dân tộc thiểu số vất vả vừa làm nương, vừa địu con trên lưng, đa số không được học hành, … Quỹ có nhiều dự án, xây trường, xây cầu cho những bản làng nghèo, cấp học bổng cho các học sinh đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng… nhưng cũng còn nhiều khó khăn hạn chế như việc đưa các thầy cô giáo về dậy ở các bản làng xa xôi, thiếu thốn đủ bề.

Tôi đã đề nghị với bà Mỹ Hoa mỗi năm nhận 10 em người dân tộc về học ở Trường Duy Tân với suy nghĩ cho các cháu về học ở môi trường học tập ở TPHCM như trường Duy Tân, khi trở về quê hương có thể làm thầy cô giáo, hoặc tham gia công tác quản lý ở địa phương sẽ tốt hơn tuyển chọn những thầy cô giáo từ thành phố về công tác ở vùng sâu vùng xa. Khi tôi nói câu “người nghèo thì ai cho gì nhận nấy và lệ thuộc vào người cho, nhất là những người Phương Bắc sang buôn bán tiểu ngạch rồi lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái mang họ của bố, dần dần hình thành cả làng họ phương Bắc, chúng ta dần dần mất làng, mất biên giới là từ đó”, bà Mỹ Hoa nói “làm chính trị là ở đó đó em…”.

Dự án “ƯƠM MẦM TƯƠNG LAI” đã được thành lập. Từ 10 học sinh lớp 6 ban đầu, mỗi năm Trường Duy Tân nhận 10 em. Sau 10 năm, Trường Duy Tân đã cấp học bổng nội trú trọn chương trình trung học từ lớp 6 đến lớp 12 cho 64 học sinh bao gồm con em của các dân tộc thiểu số và các vùng hải đảo ở Trường Sa.

Từ ý nghĩa tốt đẹp này, nhiều trường khác cũng cùng chung tay tham gia cấp học bổng cho các em học sinh theo chương trình “ƯƠM MẦM TƯƠNG LAI”. Đến nay đã có 21 trường THPT ở TPHCM và Cần Thơ tham gia và có 297 em được nhận học bổng toàn phần nội trú từ các trường. Nhiều doanh nghiệp, nhiều cán bộ về hưu cũng tham gia ban vận động cho quỹ học bổng Vừ A Dính. Năm 2018 có 41 học sinh đã học xong cấp 3 và chuẩn bị thi Tốt nghiệp THPT và vào Đại học. Riêng Trường Duy Tân đã có 64 học sinh đã học lên Đại học, có 36 em đã tốt nghiệp đại học và đã có việc làm tốt.

Công ty Đồng Mỹ nghệ ĐẠI KHANG PHÁT, một mạnh thường quân thường xuyên của quỹ học bổng Vừ A Dính đã gửi tặng trường Duy Tân một tấm tranh Trống Đồng rất đẹp, rất trang trọng. Thay mặt cho Ban Giám hiệu Trường Duy Tân, tôi đã bày tỏ sự xúc động “Nuôi các học sinh như nuôi con mình, không chỉ lo việc học mà còn chăm sóc bữa ăn, chỗ ở, kể cả thứ bảy, chủ nhật, kể cả những lúc các em đau ốm mà không có người thân bên cạnh. Cô Sơn và các thầy cô trong trường chỉ mong các con thành tài về giúp quê hương. Các cô, thầy không mong các con đền đáp, nhưng việc nhận bức tranh của Công ty Đại Khang Phát là sự cảm thông của xã hội về chương trình học bổng Ươm mầm tương lai làm cô Sơn xúc động… Đó là món quà tinh thần mà anh Trung Vũ và chị Đào Nga thay mặt các con tặng cô và nhà trường”.

Từ những việc nho nhỏ ban đầu với số cán bộ chỉ vài người, Quỹ học bổng Vừ A Dính đã có sự thành công lớn. Đó là sự tham gia đào tạo nguồn nhân lực tốt cho các vùng khó khăn của đất nước mà không hề sử dụng ngân sách của nhà nước. Đó là sự đồng tâm hiệp lực của mọi người trong xã hội vì một ý nghĩa tốt đẹp “tạo cho các cháu người dân tộc kiến thức nghề nghiệp, để các cháu tự tin phấn đấu chứ không chỉ cho tiền, cho gạo, ăn mãi rồi cũng hết.

 

Những Dự án ƯƠM MẦM TƯƠNG LAI, THẮP SÁNG ƯỚC MƠ của Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu Lạc bộ Vì Hoàng Sa, Trường Sa được rất nhiều nhà hảo tâm, các doanh nhân, các trường học ủng hộ cùng chung tay tiếp sức chăm lo cho học sinh không chỉ là các con em người dân tộc mà còn con em các chiến sĩ và ngư dân ở các vùng hải đảo xa bờ.

Đầu xuân năm 2022, Quỹ Vừ A Đính tổ chức tổng kết báo cáo chương trình Mùa Xuân lên rừng xuống biển. Tôi có làm 2 bài thơ thất ngôn bát cú tặng cho Quỹ Vừ A Dinh:

 

MÙA XUÂN LÊN RỪNG

Nghe em hát khúc ca lên rừng

Lảnh lót chim non hót giữa chừng

Đồi núi hoa ban đang rộ nở

Ruộng thang nắng trải lúa vàng bung

Ươm mầm dự án tương lai sáng

Học bổng trao nhanh giáo dục trường

Hội tụ hôm nay cùng thỏa ước

Bằng tâm hữu xạ tự nhiên hương.

Nguyễn Thị Sơn

08.01.2022

 

MÙA XUÂN XUỐNG BIỂN

Tiếng hát ngân xa dội sóng vang

Dừa cao gió thổi phất từng hàng

Đảo xa đỏ rực chân trời sáng

Biển rộng trong xanh cát sánh vàng

Tổ quốc giang sơn bao tuế nguyệt

Quê nhà non nước vẹn hằng năm

Cùng nhau xuống biển đem con chữ

Dự án xây trường giữ đảo xanh

Nguyễn Thị Sơn

14.01.2023

 

Hai bài thơ này đã được Nhạc sĩ Kiều Tấn Minh phổ nhạc và được công diễn trong cuộc thi sáng tác ca khúc cho Quỹ học bổng Vừ A Dính, chủ đề “Hành trình Mùa xuân lên rừng xuống biền”

 

Trích Tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP,

Xuất bản lần đầu năm 2006 – Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN,

Tái bản và cập nhật thông tin năm 2019 và 2023.

Nguyễn Thị Sơn

 

Lượt xem

8

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0