TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 16 - KINH NGHIỆM QUA CÁC CHUYẾN CÔNG DU
TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 16
KINH NGHIỆM QUA CÁC CHUYẾN CÔNG DU
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
Từ 1999 đến 2006. Do yêu cầu công tác, thời gian làm việc tại Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp CBAM, tôi cũng có một số dịp tham quan và nghiên cứu ở nhiều nước rất bổ ích cho công việc giảng dạy của tôi. Mỗi chuyến đi tôi đều có điều kiện tiếp xúc và tạo được nhiều cơ hội hợp tác phát triển họat động đào tạo cho trường, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm:
1) Năm 1999, tại Myanmar dự Hội thảo liên kết Network giữa các Quốc Gia tiểu vùng sông Mekong GMS-BF. Ở Hội nghị này tôi gặp các đồng nghiệp ở 6 quốc gia tiểu vùng sông Mê Kông gồm Thái Lan, Lào, Cambodia, Myanmar, Vietnam, China và các viên chức UNESCAP bàn về việc hình thành mạng lưới liên thông đào tạo giữa các quốc gia. Sau đó tôi cũng có dịp tham quan các ngôi chùa to lớn bằng vàng ở Myanmar. Đi đến quốc gia nào có chùa tôi cũng thích vào thăm, tôi không am hiểu lắm về điêu khắc nhưng lại cảm nhận sâu sắc trước các biểu tượng, văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia thể hiện qua điêu khắc. Đứng trước sự hùng vĩ của các ngôi chùa trên núi, tôi cảm thấy lòng thanh thản, không còn suy nghĩ đến những điều đau khổ của con người.
2) Năm 2000, dự Lễ tốt nghiệp cho Học viên MBA-DBA SCU ở Singapore. Được sự cho phép của Bộ Giáo dục Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa liên kết với Trường đại học chuyên ngành Nam California - SCU đào tạo các chương trình MBA và DBA tại Việt Nam. Đại học Bách khoa hợp tác và ủy quyền cho Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp CBAM phụ trách các chương trình này tại phía Nam. Hàng năm SCU tổ chức tốt nghiệp cho các học viên hai đợt, một ở Mỹ, và một ở các quốc gia Châu Á. Năm 2000 có 6 học viên Việt Nam tham dự. Lễ tốt nghiệp ở Singapore được tổ chức rất chu đáo và rất chuyên nghiệp, mọi người vui vẻ dự lễ, sau đó đi tham quan các thắng cảnh ở Singapore.
Singapore, một xứ sở nổi tiếng về quy họach và môi trường sinh thái tốt, buổi tối 10 giờ đã vắng người đi lại, kiếm uống một ly bia rất khó, đón bắt một taxi mà không vào bến không đón được, chúng tôi phải đi bộ hơn 3 cây số mà không đón được xe. Mọi người bảo chỉ có về VN là sướng, cái gì cũng có. Nhưng tôi suy nghĩ mình cũng nên làm như họ, làm sao để bớt quán nhậu, làm sao để bớt cảnh liên hoan là cụng bia “dzô” vô tận, làm sao để bớt rác rưởi ngoài đường, làm sao để không có trẻ em lang thang xin ăn, làm sao để bớt cảnh kẹt xe, làm sao để nhà cửa có quy họach đừng có cảnh mỗi nhà mỗi kiểu, nhà xây sau cao hơn nhà xây trước khấp kha khấp khiểng, làm sao để đường phố có cây xanh và có vỉa hè đi bộ...
Trong chuyến công tác này tôi có thêm những đồng nghiệp, những người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công tác đào tạo của trường CBAM như TS Nguyễn Hữu Hiền, TS Mai Quốc Bình, TS Nguyễn đình Quế, TS Nguyễn ngọc Cư, TS Trần Quý Thanh, Thạc sĩ Nguyễn văn Hậu, Thạc sĩ Trần văn Khanh.
3) Năm 2000, dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới thứ 15 tại Havana, Cuba. Đoàn có 4 người gồm ông Lưu văn Đạt, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam; ông Lê cao Đài, Giám đốc Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, GS-TS Chu Hồng Thanh, Phó tổng thư ký, Chánh văn phòng Hội luật gia Việt Nam và tôi Hiệu trưởng Trường CBAM. Chuyến đi thật vất vả phải bay 22 tiếng, chuyển máy bay ở Paris.
Hội nghị tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Havana rất rộng lớn, với 4 chủ đề: 1) Kinh tế, vai trò của nhà nước và hệ thống luật pháp để kiểm soát nền kinh tế toàn cầu; toàn cầu hóa và sự ảnh hưởng các chính sách của các tổ chức tài chính quốc tế; Cấu trúc nợ, cần xóa nợ cho các quốc gia kém phát triển; 2) Chính trị, an ninh và hòa bình quốc tế, sự dân chủ của các tổ chức quốc tế, vai trò và sự giới hạn của Hội đồng bảo an LHQ, ép buộc cấm vận kinh tế như vũ khí chính trị; 3) Vấn đề Dân chủ và Nhân quyền (Việt Nam có tham luận về nạn nhân chất độc màu da cam); 4) Sự độc lập của hệ thống tư pháp và luật sư; những vấn đề về chống buôn lậu, ma túy, rửa tiền.
Có 700 luật gia trên thế giới về dự. Tôi tham dự ở chủ đề kinh tế, các tài liệu và các luận điểm của các luật sư tranh luận về toàn cầu hóa và việc xóa nợ cho các quốc gia nghèo rất thuyết phục. Họ cho rằng các quốc gia đã nghèo, làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ thì còn đâu mà tích lũy phát triển, mà không phát triển thì không xóa được nghèo đói, dịch bệnh do nghèo đói lại càng làm họ nghèo thêm, đói nghèo thì làm sao người dân được giáo dục tốt, làm sao có khả năng mua sắm tiêu dùng để tiêu thụ hàng hóa của các quốc gia đã phát triển, lại càng không có khả năng đầu tư để mua thiết bị của các quốc gia đã phát triển. Họ cũng cho rằng xóa nợ cho các quốc gia nghèo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nước đã phát triển và cho sự ổn định hòa bình toàn thế giới.
Tôi nghĩ rằng chuyến đi này đem lại nhiều lợi ích cho tôi mặc dù vất vả. Thời gian dự hội nghị, chúng tôi ở tại nhà khách của sứ quán Vietnam tại Cuba, gần bờ biển, buổi sáng chúng tôi dạy sớm đi bộ ra bãi biển, đứng trước biển rộng bao la tôi nhớ về những tháng ngày cũ, lúc nào tôi cũng có vẻ buồn và cô đơn. Bác Đài hay kể những câu chuyện vui khi bác còn trong bộ đội, có những câu chuyện vui phải ngẫm nghĩ mới hiểu, tôi ít được nghe những câu chuyện như thế nên cười chảy cả nước mắt vì thế anh em trong đoàn trở nên thân thiết. Khi về VN tôi có thăm bác Đài một lần, sau đó bác mất do tuổi cao, nhưng rõ ràng vấn đề nạn nhân chất độc màu da cam mà Hội chữ thập đỏ và quỹ bảo trợ kiên nhẫn đeo đuổi bây giờ đã gây được sự chú ý của các cộng đồng yêu hòa bình trên thế giới.
Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm bác Hưng, bác Đạt. Qua chuyến đi tôi có thêm một người bạn là GS-TS Chu Hồng Thanh. Anh là người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và có kiến thức rộng về luật pháp, tính tình cởi mở nên được nhiều người quý mến. Chúng tôi sấp xỉ tuổi nhau lại là đồng nghiệp nên dễ nói chuyện. Từ ngày anh chuyển công tác, là Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Gíáo dục Đào tạo nên rất bận rộn vì thế chúng tôi ít gặp nhau. nhưng vẫn thường xuyên thăm hỏi nhau chuyện gia đình con cái. Bây giờ anh Thanh là bạn FB của tôi, với bộ tóc bạch kim, vẫn giảng dậy ở các chương trình cao học luật của các trường Đại học, thỉnh thoảng ngao du khắp nơi với những bài thơ gửi mây cho gió rất lãng mạn.
4) Năm 2001, dự Hội thảo Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực do Trung tâm khoa học và phát triển nhân lực Nhật Bản tổ chức ở Shanghai - China: Hội thảo có khoảng 150 người thuộc các quốc gia châu Á tham dự bàn về việc hợp tác và tăng cường nguồn nhân lực khoa học cho các quốc gia. Đoàn Việt Nam có 2 người là TS Ngô quý Việt, Vụ trưởng Vụ tổ chức Bộ Khoa học Công nghệ, và tôi (Hiệu trưởng Trường CBAM). Các báo cáo tham luận của Thái Lan và Malaysia trong việc phát triển các nguồn nhân lực khoa học thông qua hợp tác đa phương về đào tạo trình bày rất tốt. TS Ngô quý Việt cũng có bài tham luận và điều hành một chủ đề tại hội thảo. Trong thời gian hội thảo đoàn được chiêu đãi trên tàu du lịch dọc trên sông Phú Đông. Trước khi đến Thượng Hải tôi đã nghe nói nhiều về vẻ đẹp trên sông Phú Đông, nhưng có thấy tận mắt mới cảm thấy vẻ đẹp hoành tráng và rực rỡ của dòng sông bởi những ánh đèn pha dọi thẳng lên những tòa nhà cao và cổ kính của thành phố Thượng Hải hắt xuống dòng sông.
Hôm sau chúng tôi tham quan khu Công nghệ cao và tháp truyền hình Thượng Hải. Đứng trên cao nhìn xuống thành phố Thượng Hải với những tòa nhà cao xen với những vườn hoa nhiều màu sắc, một lần nữa tôi lại để những suy nghĩ của mình bay theo những ước mơ, làm thế nào để Việt Nam phát triển nhanh và đồng bộ như thế. Chuyến đi này tôi có thêm một người bạn, anh Việt là Tổng cục trưởng tổng cục Đo lường và Chất lượng.
5) Năm 2002, dự Lễ tốt nghiệp cho học viên MBA-DBA SCU ở Hong Kong: lần này có 28 học viên VN sang dự lễ tốt nghiệp tại China University ở Hong Kong. Tại lễ tốt nghiệp lần này có phần phong học hàm giáo sư danh dự cho Tiến sĩ Đào Duy Chữ và trao bằng tiến sĩ danh dự cho một vị tỉ phú, giám đốc công ty vàng tại Hồng Kông. Hôm sau, cả đoàn được mời đến tham quan công ty vàng của vị Tiến sĩ danh dự. Sau khi tham quan chúng tôi cho rằng ông rất xứng đáng để nhận bằng Tiến sĩ danh dự. Từ một người kinh doanh, mỗi lần tích lũy lợi nhuận ông lại mua vàng cất để dành. Từ cách để dành này, ông suy nghĩ vàng là một mặt hàng có nhu cầu lớn. Khi làm ăn phát triển có số vốn tương đối ông mở tiệm bán vàng, và phát triển nghề nghiệp bằng những ý tưởng độc đáo. Trung tâm bán vàng của ông trở thành nơi tham quan du lịch của du khách đến Hồng Kông, một ngày không biết bao nhiêu lượt khách. Cửa hàng có máy chụp hình 3 chiều và chế tác tại chỗ tượng bán thân của du khách bằng vàng với nhiều kích cỡ. Du khách cũng có thể chọn cho mình một mặt dây chuyền theo hình của 12 con giáp. Bộ bàn cầu và bồn rửa tay bằng vàng của Trung tâm Vàng được ghi vào Sách kỷ lục Guiness. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia và những người nổi tiếng đã đến tham quan cửa hàng của ông để có cho mình một tượng bán thân bằng vàng. Ông trở thành tỉ phú và là người nổi tiếng bởi chính tài năng của ông trong kinh doanh. Ông cũng tặng cho đoàn một đĩa CD giới thiệu Trung tâm. Từ đĩa CD này tôi đã giới thiệu cho các công ty vàng bạc đá quý ở VN cách kinh doanh sản xuất chế tác vàng với công nghệ hiện đại kết hợp phương pháp tiếp thị bằng việc thu hút khách tham quan du lịch của cửa hàng.
6) Năm 2002, Tu nghiệp & nghiên cứu Luật pháp Hoa Kỳ: Tham gia chương trình International Commercial law tại Đại học University of California (UC. Davis và UC. Berkeley). Đây là lần thứ hai tôi sang Mỹ, khi nghiên cứu về Hiến pháp Hoa Kỳ tôi hiểu biết kỹ hơn về bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng và thân thế sự nghiệp của bốn vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã có công đóng góp cho việc soạn thảo hiến pháp nước Mỹ mà chuyến đi đầu tiên đến thủ đô nước Mỹ ở Washington D.C. năm 1993, tôi đã có dịp đến thăm tượng đài của họ đó là George Washington (1789-1797); John Adams (1797-1801); Thomas Jefferson (1801-1809), James Madison (1809-1817).
Đến Mỹ lần này không chỉ là nghiên cứu luật pháp mà tôi còn tìm hiểu phương pháp đào tạo ngành luật của Đại học University of California. Tôi sống ở ký túc xá, hàng ngày đến campus bằng xe đạp, buổi sáng tập trung học ở hội trường, buổi chiều tự nghiên cứu qua Internet, mỗi học viên được cấp user name và password để truy cập các tài liệu trong thư viện Internet. Thỉnh thoảng chúng tôi thực tập tại tòa án của Tiểu bang California tại Thủ phủ Sacramento và thăm các nhà tù của California. Khóa học có 80 luật sư, công tố viên, thẩm phán từ các nơi trên thế giới vì thế chúng tôi sớm thân thiện qua các buổi thảo luận tại các tòa án mẫu hoặc qua các buổi đi dã ngoại hoặc các buổi party. Ở Berkeley campus, chúng tôi có dịp làm quen với các công ty luật ở San Francisco và hiểu được hoạt động của các luật sư ở Mỹ. Thời gian này chỉ sau vụ tấn công tòa nhà tháp đôi Trung tâm Thương mại Quốc tế ngày 11/9/2001 vài tháng nên nước Mỹ còn đang trong tình trạng hoảng hốt, vấn đề an ninh được thắt chặt, làm tôi cũng cảm thấy lo lắng. Tuy vậy tôi cũng có dịp dự lễ quốc khánh của Mỹ và hiểu biết thêm những nét đặc trưng về văn hóa của người Mỹ. Họ biểu lộ lòng tự hào về quốc gia trên nét mặt, cờ in trên áo, mũ, túi quần Jeans, giày và hát vang bài quốc ca. Cả ngày ca hát nhảy nhót với lễ hội, buổi chiều mọi người tập trung ở sân vận động xem thi đấu bóng chày giữa hai đội Mỹ và Đức đến 12 giờ đêm và xem bắn pháo hoa ngay tại sân vận động.
Thời gian học ở Mỹ tôi cũng có dịp thăm gia đình chú Huynh, chú chồng tôi và các em Hoài, Nga ở Ohio. Thăm trường đại học Ohio State University rất rộng lớn, khoa Y Dược có cả bệnh viện cho sinh viên thực tập, các cháu Bích Vi, Hồng Vi, Thùy Vi, con của cô Hồng (em gái tôi) đang học ở University of Dayton là trường tư ở Ohio, tuy không bề thế về mặt quy mô như Ohio State University nhưng cũng là Đại học có uy tín ở Mỹ với số lượng sinh viên quốc tế đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tôi cũng đến thăm trường Trung Học Carroll High School nơi cháu Tường Vi con của một người em gái tôi (cô Dung) đang học. Phương pháp đào tạo của nhà Trường là tạo điều kiện cho các sinh viên quốc tế phát huy óc sáng tạo trong học tập. Các cháu tập làm văn, làm thơ bằng tiếng Anh mô tả về quê hương, qua đó các học sinh ở trường bắt đầu hiểu biết về xứ sở Việt Nam xa xôi mà giới trẻ ở Mỹ chỉ biết rất loáng thoáng trong thời kỳ chiến tranh Việt Mỹ. Lần nào đến Mỹ tôi cũng thăm và gặp gỡ các em tôi. Cậu Thành vẫn làm việc cho hãng sản xuất máy bay Boeing Aircraft Com ở Kansas. Mặc dù sau cuộc khủng bố tấn công tòa tháp đôi International Trade Center, nhiều công ty ở Mỹ phá sản, nhiều công nhân mất việc làm nhưng cô Mai vợ cậu Thành là chuyên viên trong bộ phận bảo trì sửa chữa máy bay của hãng hàng không Cessna Aircraft Com vẫn được hãng tin cậy. Cậu Nam vẫn còn làm việc cho công ty chuyên về Logistics cùng vợ con sống ở California. Cậu Nghĩa một thời gian làm việc ở Việt Nam đã lấy vợ và quay về Mỹ, cùng vợ con sống ở California. Các cậu bảo sống ở đất Mỹ có được công ăn việc làm ổn định, cuộc sống lương thiện là quý lắm rồi, điều quan trọng là các cháu con các cậu đều được học một nền giáo dục tốt ở Mỹ.
7) Năm 2003, dự Hội thảo Kinh tế tiểu vùng GMS-BF ở Kun Ming- China; Trường CBQLDN là hội viên của GMS-BF, tại hội thảo ban tổ chức phân công tôi trình bày phương án tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm của các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong tại Hà Nội. Phương án được đưa vào kế họach và được hỗ trợ một phần kinh phí của ngân hàng ADB, sau đó về nước tôi bàn giao lại cho Ban quan hệ quốc tế VCCI tổ chức thực hiện. Buổi tối đó các viên chức của UNESCAP mời tôi đi ăn tối, uống trà và xem hát ở một nhà hàng nổi tiếng ở Kun Ming. Tôi nghĩ đây cũng là một tính cách văn hóa rất hay, trà với một vài loại thuốc Bắc như táo tầu, cam thảo, nước thật nóng được người phục vụ rót vào tách trà rất chuyên nghiệp, người uống vừa thưởng thức nước trà vừa xem hát múa những điệu vũ cổ truyền rất ấn tượng. Sau đó chúng tôi đi bộ ra chợ đêm mua quà lưu niệm. Chợ được bày trí giống như chợ Bến Thành của ta, nói rất thách, nhưng giá nào cũng bán. Trời se lạnh, cảnh trí Kun Ming rất đẹp, dọc hai bên hè đường có một nhóm người mời massage tẩm quất. Kun-Ming đan xen giữa sự phát triển công nghiệp hiện đại và vẫn tồn tại những họat động kinh doanh nhỏ và sản xuất thủ công của người dân.
8. Tháng 5 năm 2004, tôi được tháp tùng đoàn Thủ tướng Chính Phủ đi Bắc Kinh, Hồ Bắc, Liêu Ninh Trung Quốc và Mông Cổ dự các hội thảo về quan hệ đầu tư song phương và tham quan Đại học Nông Lâm Mông Cổ.
Nhằm thúc đảy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương và đa phương, nên các chuyến đi công tác của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng. Đi như thế doanh nghiệp có điểm lợi là tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế, các cuộc gặp gỡ chính thức thường là gặp những đối tác lớn, có tiềm năng. Chính vì thế mà chuyến đi nào doanh nghiệp cũng đăng ký rất đông. Phòng Thương Mại cũng phải chọn lựa vì số lượng người được đi có giới hạn và đôi khi các đơn vị thuộc Phòng Thương Mại phải nhường cho doanh nghiệp. Trưởng đoàn doanh nghiệp lần này có anh Hòang văn Dũng, phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ở Trung Quốc chúng tôi được đến thăm các nhà máy lớn của Trung Quốc như nhà máy sản xuất xe hơi BMW liên doanh với Đức, tự động hóa bằng robot tòan bộ. Bên cạnh nhà máy liên doanh xe hơi hiệu BMW, công ty vẫn sản xuất xe hơi hiệu Trung Quốc cũng tốt như BMW mà giá thành rẻ hơn nhiều để khách hàng dễ chọn lựa. Đoàn cũng được hướng dẫn tham quan quảng trường Thiên An Môn và một số cảnh quan đẹp của Trung quốc ở Bắc Kinh.
Chúng tôi cũng đến thăm một số nhà máy công nghiệp ở Hồ Bắc và Liêu Ninh, sản xuất với khối lượng lớn và cung cấp phần lớn cho Âu châu và Mỹ. Các nhà máy rất rộng lớn với quy trình sản xuất hoàn toàn tự động.
Còn ở Mông Cổ chúng tôi được đến thăm nhà máy dệt len cashmere, (vì đây là xứ sở của lông cừu) và xem biểu diễn thời trang áo len, các cô người mẫu Mông Cổ rất đẹp vì họ có nước da trắng xứ lạnh và lại cao, người Mông Cổ có nhiều nét giống người Hàn quốc, tôi thích thú xem vì đã gợi cho tôi những kỷ niệm khi tôi còn ở Legamex.
Đoàn đi thăm trường tiểu học mang tên Bác Hồ, xem chương trình biểu diễn văn nghệ do các cháu học sinh cấp 1 biểu diễn, các cháu mặc đồng phục rất đẹp và hát những bài hát VN như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng” giọng hát tiếng Việt không chuẩn lắm nhưng rất dễ thương. Tôi lại nhớ đến những chuyến công tác ở Nga, Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan những năm 1987-1990, các doanh nghiệp rất chú trọng về việc chăm lo cho các cháu thiếu nhi, ở đâu cũng ưu tiên trường lớp cho bậc tiểu học và trung học để bố mẹ các cháu yên tâm công tác. Ngày ấy chúng tôi xem nhà máy của các quốc gia Đông Âu như một thiên đường. Tôi nhớ câu nói của Tổng thống Nga Putin “nếu người nào không nhớ về những ngày trong quá khứ thì người ấy không có trái tim, còn nếu người nào muốn quay trở lại những ngày trong quá khứ thì người ấy không có cái đầu”, đối với tôi quá khứ hay hiện tại, cái gì tốt thì nên giữ, nên duy trì và phát huy đúng mức.
Tôi cũng rất vinh dự được đến thăm Trường Đại học Nông Lâm Mông Cổ và tham dự lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Được chứng kiến lễ trao bằng và nghe Hội đồng Khoa học Đại học Nông Lâm Mông Cổ phát biểu đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về sự phát triển kinh tế bền vững trong khu vực và mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt-Mông trong đó có sự đóng góp to lớn của Thủ tướng Phan văn Khải. Tôi thật sự xúc động vì sự long trọng trang nghiêm của buổi lễ và vì lòng kính trọng đối với Thủ tướng.
Hôm sau đoàn được xem văn nghệ truyền thống và đấu vật cổ truyền Mông Cổ trên một giải thảo nguyên xanh có những căn lều vải thiết kế theo lối nhà bạt của vua chúa, làm mọi người liên tưởng tới Thành Cát Tư Hãn, vị anh hùng và là niềm tự hào của người Nguyên Mông. Trời lạnh và gió lồng lộng, ánh nắng nhẹ, mọi người đều mặc măng tô ngồi xem đoàn đấu vật cởi trần khoe sức mạnh, cười nói vui vẻ. Sau đó Tổng thống Mông Cổ cùng Thủ tướng Phan văn Khải bắn cung giao hữu.
Về Kinh tế, Mông Cổ có nhiều tài nguyên như gỗ, rừng bạt ngàn chưa được khai thác đúng mức, lông cừu và các loại lông thú rất nhiều, chăn nuôi cũng dễ vì đồng cỏ xanh bát ngát. Nhưng Mông Cổ cũng có nhiều khó khăn, dân số rất ít, đường xá giao thông trở ngại, không có đường biển bao quanh, không có hệ thống đường sắt nối Mông Cổ với các quốc gia khác. Đoàn chúng tôi ở Mông Cổ ba ngày được bố trí riêng thời gian cho đoàn vào siêu thị mua sắm. Giá cả hàng hóa rẻ, tôi hỏi một sinh viên Việt Nam thì được biết xe hơi nhập khẩu rất rẻ vì chính phủ miễn thuế nhập khẩu. Các cửa hàng ăn uống ở các phố lớn đã có các tên hiệu của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga.
Chuyến đi này tôi gặp lại nhiều người quen cũ như Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát, Thứ trưởng Tài chính Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Công nghiệp Bùi Xuân Khu, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Hữu Thắng. Các anh chị rất vui khi gặp lại tôi, anh Tuyển nhắc lại chuyện ngày xưa khi anh còn là Tổng giám đốc công ty xăng dầu và nói “thấy em vất vả quá, bọn anh thỉnh thoảng vẫn nhắc”. Anh Phát thì nói “mỗi lần tham dự khai mạc hội chợ thấy có gian hàng của Legamex tôi đều hỏi thăm chị Sơn nhưng các cháu bảo là nhân viên mới, chỉ nghe nói về cô Sơn chứ chưa gặp”. Anh Khu thì bảo: “các cháu nhà chị Sơn kinh doanh phát triển thương hiệu tốt quá”, anh Thắng, chị Nhân cũng vui vẻ nói chuyện thân mật trong suốt chuyến công tác.
9) Tháng 9, 2004, làm việc với Tập đoàn công nghiệp AFPI và Phòng Thương mại Lyon tại Pháp: Hội chợ trang phục lót thế giới hàng năm tổ chức ở Lyon với quy mô lớn. Các công ty lớn, thương hiệu nổi tiếng về ngành trang phục lót đều có mặt tại Hội chợ và các xu hướng về thời trang mặt hàng này đều xuất phát từ đây. Đây là một cách làm chuyên nghiệp để các doanh nghiệp chuyên ngành trên thế giới hàng năm đến hẹn lại gặp gỡ nhau để nắm bắt thông tin về giá cả, chủng loại mặt hàng, xu hướng thời trang mới đồng thời ký kết hợp đồng mua bán với nhau mà không cần phải đến trực tiếp nhà máy vừa tốn kém chi phí mà không có cơ hội so sánh chọn lựa. Khách đến đây phải đăng ký trước, có thẻ mới được vào.
Tôi lại liên tưởng đến các hội chợ của ta, đa số tham gia hội chợ nhằm bán hàng tồn kho cho người tiêu dùng mua lẻ, nhiều hội chợ tổ chức ở các kiot tạm bợ ngoài trời, mưa gió nhếch nhác. Nhiều hội chợ lại xem như lễ hội ai vào cũng được, chi phí tham gia hội chợ các doanh nghiệp chỉ mong thu hồi ngay khỏi lỗ. Thật ra các doanh nghiệp phải xem chi phí tham gia hội chợ như là chi phí quảng bá thương hiệu. Muốn vậy hội chợ phải xác định mục tiêu, đối tượng tham gia trưng bày, đối tượng khách hàng, và các phương tiện phục vụ cho hội chợ đạt kết quả cao, như thế mới tạo niềm tin cho doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí tham gia hội chợ.
Tham quan Trường Công nghiệp AFPI, càng đi nhiều càng mở rộng tầm hiểu biết nhưng lại càng buồn hơn vì sự khó khăn của mình. Khu vực thực hành của AFPI như một công xưởng, từ máy làm khuôn cánh cửa xe hơi, đến những khuôn rất nhỏ đòi hỏi sự chính xác như khuôn sản xuất các linh kiện đồng hồ, mobile phone. Hệ thống thiết kế bằng Computer CAD/CAM có nhiều phần mềm khác nhau hỗ trợ. Học viên có thể vừa học lý thuyết vừa thực hành.
Từ khi tham quan AFPI, tôi có nhiều trăn trở, phải mạnh dạn đầu tư cho các phòng thí nghiệm, thực hành của trường thì các chương trình đào tạo mới thiết thực được.
10) Tháng 5, 2005, dự Hội nghị ASIA-PACIFIC Business Forum và ký Hiệp định tham gia Global Compact tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc, Thái Lan; Qua các khóa đào tạo về quản lý có sự hỗ trợ của UNESCAP, các viên chức của UNESCAP mời Trường CBAM tham gia chương trình Hiệp ước toàn cầu (Global Compact) của LHQ do Tổng thư ký Kofi Annan khởi xướng.
Cùng ký kết trong buổi lễ có đại diện của nhiều trường đại học, học viện thuộc các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương và sự chứng kiến của Tiến sĩ Kim Hak Su, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Tiến sĩ Georg Kell, Giám đốc điều hành Global Compact, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thái Lan.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đến sân bay quốc tế Bangkok là năm 1988. Lúc ấy mọi người cho rằng sự phát triển kinh tế Việt Nam đi thụt sau Thái Lan khỏang 20 năm (hình tượng so sánh là sân bay quốc tế của hai nước). Lần này trở lại đã là 17 năm, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài của ta tuy có phát triển nhưng vẫn chưa so sánh được với sân bay quốc tế Bangkok thời kỳ 1988, chưa kể sự phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng của Bangkok trong 17 năm qua. Tôi cũng đến tham quan và mua sắm ở vài siêu thị lớn của Bankok như hệ thống Central Plaza, lượng người vào mua rất đông, đa số là khách du lịch, mới hiểu được sức mua và thị trường được quyết định không chỉ là dân số và thu nhập của người dân khu vực mà còn là sự quảng bá, thu hút được người tham quan, người mua từ khắp nơi trên thế giới.
11) Tháng 12/2005, dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp Ước Toàn cầu (Global Compact Summit: China) tại Shanghai với chủ đề “Xây dựng khối liên minh cho một nền kinh tế toàn cầu vững mạnh” với sự hỗ trợ của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và chính quyền nhân dân thành phố Thượng Hải và sự hợp tác của Ủy ban hành chính và giám sát tài sản sở hữu nhà nước (SASAC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc (ACFIC), Liên hiệp các doanh nghiệp Trung Quốc (CEC), Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO).
Chương trình thảo luận tập trung vào các vấn đề: 1) Hiệp ước toàn cầu, khối liên minh cho nền kinh tế toàn cầu bền vững; 2) Mở cửa thị trường, cơ hội kinh doanh và xóa nghèo đói; 3) Cơ hội và thách thức cho các tổ chức dân sự và Hiệp ước toàn cầu; 4) Liên minh hệ thống tài chính hỗ trợ cho các tổ chức dân sự và Hiệp ước toàn cầu.
Có 800 lãnh đạo các tập đoàn, những người hoạch định chính sách, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới về dự. Trong suốt hội nghị ngoài việc nghe các báo cáo quan trọng xoay quanh các chủ đề trên, tôi cũng dự một hội thảo chuyên đề về liên kết đào tạo giữa các trường Đại học, các học viện trên thế giới, tham gia hệ thống International network tổ chức giữa Global Compact, học viện Academy of Management và Đại học Case Western Reserve University với chủ đề: “Management Knowledge leading positive change” để trao đổi các tài liệu giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy.
Kết thúc Hội nghị, Hội đồng thành phố Shanghai cũng chiêu đãi đoàn trên du thuyền dọc trên sông Phú Đông. Trong lúc thuyền chạy dọc trên sông, một du thuyền khác từ xa tiến ngược lại và biểu diễn bắn pháo bông chào mừng Hội nghị. Mọi người ăn uống, nói chuyện và khiêu vũ với chương trình ca nhạc đặc biệt.
Trở lại Thượng Hải lần thứ hai, tôi không còn ngạc nhiên với cảnh đẹp của dòng sông Phú Đông. Đứng từ lầu cao khách sạn Shangri-la Pudong, nhìn khắp thành phố Thượng Hải tôi thấy thành phố phát triển quá nhanh sau 3 năm trở lại.
Dự hội nghị lần này tôi nhận xét về các nghi thức và cách tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của người Trung Quốc: chu đáo, nồng hậu, mến khách. Rất hoành tráng bởi cách bố trí phòng ốc ở một trung tâm hội nghị quốc tế chuyên nghiệp. Rất chu đáo từ khâu thông báo, chuẩn bị tài liệu, danh sách bảng tên người tham gia, chuẩn bị khách sạn, xe đưa đón khách tham dự hội nghị. Rất an ninh và rất tiện nghi, kiểm sóat an ninh chặt chẽ nhưng không làm phiền người tham dự; tiệc chào mừng, tiệc kết thúc, bữa ăn trong ngày, cà phê giữa giờ được chuẩn bị rất chu đáo lịch sự.
Năm 2006 Hội nghị thượng đỉnh Global Compact được tổ chức ở Châu Phi.
(còn tiếp)
Trích Tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP xuất bản năm 2006
Tái bản 2019
Nguyễn Thị Sơn
* Hình 1 chụp năm 2000 tại Sứ quán Việt Nam ở Cuba
* Hình 2,3 chụp năm 2004 tại Bắc Kinh, Mông Cổ.
* Hình 4,5,6 chụp năm 2005 tham dự Diễn đàn Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
0- 0
- 0
- 0
- 0
- 0
- 0