TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 15 TIẾN VI QUAN THOÁI VI SƯ

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 15
TIẾN VI QUAN THOÁI VI SƯ

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP 
Đó là câu nói của Bộ trưởng Trần Xuân Giá khi gặp tôi ở Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp năm 1999 tổ chức ở dinh Thống Nhất. Chủ tịch Phòng Thương Mại Đoàn Duy Thành thì lại nói “tiên vi quan, hậu vi sư”. Một số anh chị bạn đồng nghiệp của tôi, từ tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước lên làm Bộ trưởng, Thứ trưởng ở các Bộ, vậy là tiến vi quan. Còn tôi trước đây tôi là cán bộ viên chức nhà nước, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước, còn bây giờ là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đào tạo doanh nhân. Tôi không biết là tôi “tiến” hay “thoái”, nhưng từ ngày đi giảng dạy, gặp gỡ học viên là các doanh nghiệp tôi cảm thấy rất vui với công việc của mình. 
Ở lĩnh vực kinh doanh, nếu doanh nghiệp không giỏi, không cạnh tranh được với thương trường, doanh nghiệp có thể mất trắng và phá sản. Ngược lại chủ doanh nghiệp cũng sẽ có tất cả những điều cao quý nhất với những thành công của doanh nghiệp. 
Ở lĩnh vực đào tạo, Hiệu trưởng như một tấm gương mẫu mực, phải có các định chuẩn về trình độ qua học vị, qua kiến thức thực tế và qua phong cách lãnh đạo, nhất là trường đào tạo doanh nhân, phải thật sự có sản phẩm đào tạo mà doanh nhân cần. Vì thế một lần nữa tôi phải nỗ lực, phải phấn đấu ở lứa tuổi không còn trẻ, nhưng già dặn tuổi đời một chút trong lĩnh vực này cũng là điều cần thiết. Tôi vừa là Hiệu trưởng, vừa trực tiếp giảng dạy vừa là luật gia tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Ba công việc này đã giúp tôi thành công và đưa Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp CBAM ngày càng phát triển. Sau 5 năm hoạt động trường đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ (năm 2004). Niềm vui lớn nhất của tôi là có được đông đảo những người học viên bây giờ đã là doanh nhân thành đạt. 

Mười năm làm việc tại Phòng Thương Mại & Công Nghiệp VN, tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn và nhiều tâm tư trăn trở. Tháng 10 năm 1998 tôi chuyển biên chế về Phòng Thương Mại. Tôi được phân công là chủ nhiệm chương trình ứng dụng tin học trong quản lý kiêm giám đốc mạng VCCI net, anh Vũ Anh Dũng là phó ban Hội viên và Đào tạo Phòng Thương Mại kiêm phó giám đốc mạng VCCI net. Khi giao quyết định cho tôi, chủ tịch Phòng Thương Mại, ông Đòan Duy Thành bắt tay tôi và nói: “chúc cô trở thành Bill Gates Việt Nam”. Sau đó, tôi và anh Dũng, anh Hoàng Anh đã làm việc với tổ chức Trade Hub của Úc để tập huấn cho các doanh nghiệp cách đưa thông tin và hình ảnh sản phẩm lên website. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thời ấy giới thiệu thông tin lên website chủ yếu giới thiệu mình là ai còn sản phẩm thì không có thông tin chính xác hoặc không cập nhật kịp thời nên khi có khách hàng hỏi mua thì lại không có hàng hóa như đã đưa tin. Lúc ấy chúng tôi cũng đang làm thủ tục xin giấy phép cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và xin thuê bao đường truyền mạnh cho VCCI net. 
Thấy tôi phải ra Hà Nội làm việc vất vả về chỗ ở và khó khăn việc đi lại nên khi giám đốc Trung tâm Đào tạo Doanh nghiệp nghỉ hưu, chủ tịch Đoàn Duy Thành khuyên tôi nên nhận nhiệm vụ này. Tôi nhận lời nhưng cũng lo lắng vì đơn vị này đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Lúc ấy thường trực Phòng Thương Mại cũng có các anh Đoàn Ngọc Bông, chị Phạm Chi Lan, anh Đào Duy Chữ, anh Vũ Tiến Lộc, anh Hoàng Văn Dũng, anh Phạm Gia Túc, anh Nguyễn Văn Thảo đều bày tỏ sự ủng hộ và động viên tôi về công tác tại Trung tâm.
Sau khi nghiên cứu các chương trình đào tạo của Trung tâm, tôi thấy không ổn vì sản phẩm đào tạo của Trung tâm hoàn toàn lệ thuộc vào các giảng viên thỉnh giảng; các chương trình đào tạo ngắn hạn chủ yếu là cập nhật thông tin. Ví dụ thông tin về “thuế” thì mời cán bộ thuế đến nói chuyện; thông tin về “hải quan” thì mời cán bộ hải quan đến hướng dẫn. Lực lượng giảng viên như thế có thể rất có kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng lại thiếu phương pháp sư phạm để truyền đạt. Vả lại những chương trình đào tạo như thế chỉ giúp doanh nghiệp cập nhật mang tính kỹ năng nghiệp vụ, chứ không thể giúp doanh nghiệp nâng cao những kiến thức chuyên sâu về quản lý.
Tôi nhớ lại các chương trình “Cao học quản trị kinh doanh” mà tôi đã học trước đây, giáo trình rất phong phú, rất cần cho giám đốc doanh nghiệp trong công tác quản lý từ việc đưa ra chiến lược sản phẩm, chiến lược đầu tư, tổ chức sản xuất vận hành, quản lý tài chính công ty, các định chế tài chính tín dụng và thanh toán quốc tế, luật kinh doanh quốc tế, quản trị và phát triển nguồn nhân lực, phong cách lãnh đạo, quản trị tiếp thị.... Thế là tôi cho soạn thảo lại các giáo trình này sao cho phù hợp với các điều kiện quản lý của doanh nghiệp Việt Nam, mời các giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ về quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm giảng dạy, hình thành đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp của trường và nghiên cứu đưa ra chương trình sản phẩm đào tạo riêng của trường để đào tạo quản lý cho đối tượng là nhà quản lý, giám đốc doanh nghiệp.
Song song với việc nghiên cứu đưa ra sản phẩm đào tạo phù hợp. Tôi suy nghĩ về mô hình và quy chế hoạt động của nhà trường. Tôi mời các nhà khoa học làm cố vấn cho trường và đề nghị chuyển Trung tâm đào tạo thành Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM nằm trong hệ thống các trường đào tạo cán bộ do Bộ Nội vụ quản lý và được Cục Đào tạo của Bộ Nội vụ ủng hộ. Việc định hình này có sự cố vấn tích cực của Hội đồng Khoa học nhà trường, nhất là các anh Tiến sĩ Nguyễn Duy Hùng Vụ trưởng Vụ quy hoạch cán bộ Ban tổ chức Trung ương; PGS, TS Nguyễn Trọng Điều Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS Trần Quang Minh Cục trưởng Cục đào tạo Bộ Nội vụ. Trong thời gian này Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp cũng được phân kế hoạch đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các khu công nghiệp. Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp VN lúc ấy là Bộ trưởng Lê Xuân Trinh cũng rất ủng hộ các chương trình đào tạo của trường. 
Học viên ngày càng đông vì họ thấy chương trình đào tạo của trường thật sự có bổ ích. Từ đó trường có uy tín và đă thắng lợi trong việc đấu thầu các dự án quốc tế như Quỹ hỗ trợ kỹ thuật ASIA-Invest, SPF VN-EU của Ủy ban châu Âu đào tạo quản trị chất lượng, tiếng Anh thương mại, Master of E. Management; quỹ đào tạo quản lý của Ủy ban hợp tác kinh tế châu Á, Thái bình Dương UNESCAP. 

Tiếp đến là sự thành công trong các chương trình liên doanh hợp tác với Kent Australia. ABE của Anh quốc, ITC của WTO và UNTAC, chương trình hỗ trợ chuyên gia CIM của CHLB Đức đào tạo các chương trình quản trị kinh doanh. Đặc biệt là các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ quản trị kinh doanh MBA, DBA liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học chuyên ngành Nam California CSU. Thành công của chương trình đào tạo Cao học Quản trị kinh doanh là do sự phê chuẩn của Bộ Giáo dục Đào tạo, sự liên kết của Đại học Bách khoa Hà Nội, và sự giảng dạy nhiệt tình của các giảng viên Đại học CSU (USA), giảng viên của KENT (Australia) và các giảng viên của Trường Cán bộ Quản lý Doanh Nghiệp.

Từ một cán bộ quản lý doanh nghiệp bước sang quản lý giáo dục, thật sự không phải dễ dàng nhưng bên cạnh sự cố gắng của tôi còn có sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của Hội đồng Khoa học Nhà trường và sự đồng tình, đồng kham cộng khổ của cán bộ nhân viên, giáo chức nhà trường như ThS Trương Đình Quý trưởng phòng đào tạo, TS Nguyễn Hoàng Anh trưởng khoa công nghệ thông tin, TS Phan Văn Sâm trưởng khoa kinh tế, ThS Phan Hòang Quý trưởng khoa ngọai ngữ, anh Nguyễn Thanh Hùng trưởng phòng tổng hợp, anh Lê Thanh Nguyên kế tóan trưởng, chị Liên, chị Vị, cháu Việt Hà đại diện văn phòng Hà Nội, các anh chị cán bộ giáo vụ, các giảng viên trong nước và nước ngoài mà nhà trường đã vượt qua những khó khăn và xác lập được một địa chỉ đào tạo tin cậy của doanh nghiệp trong lãnh vực đào tạo về năng lực quản lý. Năm 2008, Trường Cán bộ Quản lý doanh nghiệp CBAM đã đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.


Từ họat động thực tiễn thông qua các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế, và từ kinh nghiệm mà tôi tích lũy được trong suốt 30 năm làm doanh nghiệp, tôi hiểu những kiến thức quản lý mà doanh nghiệp cần. Tôi có mong ước được xây dựng một trường Đại học với mô hình mới, kết hợp giảng dạy giữa lý thuyết, nghiên cứu và ứng dụng thực hành trong các ngành quản lý công nghiệp. Nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu, chẳng hạn ngành khoa học công nghệ thực phẩm, ngành công nghiệp Dệt - may mặc - giày dép; ngành công nghệ sinh học ứng dụng trong các ngành nông sản, thủy hải sản; các ngành tự động hóa, ứng dụng tin học trong sản xuất mà tôi đã từng tham quan các nhà máy ở nước ngoài, chẳng hạn ngành nhựa, ngành cơ khí chính xác, các bộ phận được thiết kế rời nhưng chính xác để khi lắp ráp là khớp đúng với nhau như linh kiện đồng hồ, mobile phone, máy tính...Vì thế suốt từ năm 2000 tôi đã nghiên cứu và đề xuất thành lập trường Đại học bán công VCCI và được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ. 
Năm 2003 Đại hội Phòng Thương Mại lần thứ tư. Thường trực mới là các đồng chí TS Vũ Tiến Lộc, ThS Hòang Văn Dũng, TS Đòan Duy Khương, Đ/C Trần Thị Thủy, Đ/C Phạm Gia Túc, ThS Nguyễn Văn Thảo, Đ/C Nguyễn Hữu Hải, tiếp tục ủng hộ việc thành lập Đại học tư thục VCCI.
Chính phủ cũng có chủ trương xã hội hóa trong lãnh vực giáo dục và y tế vì thế hệ thống giáo dục sẽ chỉ còn công lập và tư thục. Năm 2004, được sự ủng hộ của UBND TP HCM, Sở GD& ĐT TP HCM, đề án thành lập Đại học tư thục VCCI trên cơ sở Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo xem xét đưa vào kế họach thành lập các trường Đại học năm 2005. Quận Bình Tân cũng đã có văn bản chấp thuận về quy hoạch xây dựng Trường Đại học tư thục VCCI tại Phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Để đạt được những kết quả này phải nói có sự vận động tích cực của Ban vận động thành lập Đại học, đặc biệt là các ông bà: TS Phan Trọng Kính - nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Đỗ Mười, TS Cao sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TS Nguyễn Duy Hùng – nguyên Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, PGS TS Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TS Đào Duy Chữ - nguyên Phó Chủ tịch VCCI, TS Đặng Quốc Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, PGS TS Chu Hồng Thanh – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục, ThS Bùi Việt Cường – nguyên Tham tán Công sứ tại Thụy Sĩ, ông Nguyễn Văn Ích – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Từ Quyết Chiến – nguyên Vụ trưởng, Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Văn Kích – nguyên Vụ trưởng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bác sĩ Lê Thị Vân – nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM,….
Các doanh nghiệp tham gia các khóa học tại Trường Cán bộ Quản lý doanh nghiệp CBAM hằng năm cả 1000 học viên, khi nghe tôi thông báo về đề án xây dựng trường Đại học, các doanh nghiệp rất ủng hộ và nhiều người đăng ký góp vốn. Để thủ tục thành lập Đại học đơn giản, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á (SEAEDI) đã được thành lập để thu hút vốn của các doanh nghiệp trong và ngòai nước đầu tư xây dựng Trường Đại học VCCI. 
Một số anh chị Việt kiều ở Mỹ, Nhật: Thạc sĩ Nguyễn Mỹ Tuấn, TS Ngô Anh Cường, TS Nguyễn Ngọc Hải, TS Nguyễn Tiến Đức rất tích cực tham gia bằng các hình thức góp vốn, tham gia giảng dạy, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt Tết Bính Tuất, có các anh đang sống ở Đức là bạn cùng học ở Petrus Ký với anh Triệu chồng tôi về thăm quê hương đã đến gặp tôi và vận động anh em CLB Petrus Ký ở Đức về giúp tôi. Anh Huỳnh văn Ngày và anh Dương Văn Phước nói với tôi rằng: “Đã 37 năm kể từ ngày dự đám cưới Triệu-Sơn, sau đó chúng tôi sang Đức, người thì học ngành hóa dược, người học ngành tự động hóa, High tech, bio-technology, nano-technology..., chúng tôi đã làm việc ở các công ty lớn của Đức và có nhiều kinh nghiệm trong các ngành này. Chúng tôi gọi nhau về giúp chị Sơn và giúp Trường Đại học trong công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ. Mỗi người góp một chút có thể bằng tiền hoặc bằng công sức, hoặc bằng chất xám, chắc chắn không khó đâu”. 

Ngày xét duyệt Dề án thành lập Đại học tư thục VCCI, Hội đồng thẩm định đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đa số ủng hộ. Tuy nhiên có 1 vị thành viên Hội đồng thẩm định đã hỏi và yêu cầu làm rõ: “VCCI là tổ chức của nhà nước hay của tư nhân thành lập?”. Tôi trả lời: “VCCI là tổ chức NGO (non Government), phi chính phủ, phi lợi nhuận nhưng đây là tổ chức xã hội đặc thù do Thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ hoạt động của VCCI”. Vị chuyên gia nói thấp giọng: “chị nên làm rõ về vốn góp của VCCI tham gia Đại học VCCI, tiền và tài sản của VCCI về bản chất là của nhà nước cấp, không phải của tư nhân. Nếu là cá nhân thì được…”
Sau đó để đảm bảo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Đông Nam Á (SEAEDI) đã quyết định đầu tư vào Trường Tư thục THCS, THPT Duy Tân (năm 2006).

(còn tiếp)

 

Nguyễn Thị Sơn

Trích trong TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP,

Xuất bản tháng 6 năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN.

Sách tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản TỔNG HỢP TPHCM
* Hình chụp: Lễ tốt nghiệp một số khóa đào tạo MBA, DBA về Quản trị Kinh doanh và Master of E. Management tại CBAM do các tổ chức Quốc tế tài trợ.

 

1. CBAM - TRAINING COURSE 2002

 

2.CBAM EU Master of IT 2004

 

4. KENT CBAM 2004

 

5. HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG 3 2008

 

 

 

 

 

Lượt xem

9

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0