TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 14 - CHÂN LÝ VÀ CÔNG LÝ

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 14 -
CHÂN LÝ VÀ CÔNG LÝ

 

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP 
Tháng 8 năm 1996, Nhà nghiên cứu, Nhà báo Trần Bạch Đằng đã gửi thư cho lãnh đạo Thành phố HCM nói về quan điểm của ông về sự việc của Legamex (tôi có đến xin phép bác Trần Bạch Đằng cho phép tôi được đưa nguyên văn nội dung thư vào tự truyện của tôi và được bác cho phép). Nội dung thư như sau:
“Kính gửi: Đ/c Tư Sang Bí thư Thành ủy TPHCM, Đ/c Phạm Chánh Trực Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM, Đ/c Võ Viết Thanh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM, Đ/c Đặng Thế Hồng Viện trưởng Viện Kiểm sát TPHCM 
Vừa rồi tôi được đọc bản kết luận và đề nghị xử lý vụ án Legamex của Công an TPHCM đồng thời theo dõi dư luận các báo cũng như nội dung khóa họp của Hội đồng Nhân dân Thành phố có liên quan đến vụ này.
Mấy năm trước, tôi rất mừng cho Quận 10 và các cháu ở Legamex vì đã bươn chải làm ăn có kết quả, trong hoàn cảnh chung của lúc đó. Nhưng sau đó lại được tin Ban lãnh đạo của công ty bị khởi tố. Tôi quan tâm theo dõi vụ án từ đó đến nay.
1. Tôi rất vui và mừng cho các cháu không sa vào địa ngục của quốc nạn tham ô, nhũng lạm.
2. Tôi đọc kỹ 4 tội danh của Công an Thành phố buộc cho các cháu, tôi nghĩ đó chỉ là những sơ suất trong công tác và với động cơ bao trùm là muốn làm tốt công việc. Trong hoàn cảnh lúc đó, cả nước chứ không phải chỉ Tổng công ty Legamex phải xoay sở tự cứu. Ngay Quận ủy và Ủy ban Nhân dân quận 10 khi chủ trương cho Legamex hỗ trợ vốn cho các cơ sở kinh tế của Quận trái với chức năng của Legamex cũng trong hoàn cảnh đó. Trong khi đó, công bằng mà nói, các văn bản pháp quy có cái chưa có hoặc có thì không phù hợp với tình hình.
Hoặc là ngồi chịu chết, hoặc là “bung ra” tìm con đường sống - đó là tâm trạng của các cấp, các cơ sở, cơ quan từ phường, xã đến trung ương trong đó có Legamex. Nếu chỉ dựa vào lời văn của văn bản pháp quy mà không xem trọng tinh thần của pháp quy vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể lúc đó thì không chỉ Legamex mà còn có vô số những cơ quan, cơ sở kinh doanh của nhà nước “cố tình làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bất cứ người lãnh đạo nào khi ra quyết sách đều là “cố tình” cả và trừ những người có động cơ xấu, thì ai cũng tin tưởng quyết sách của mình là đúng và tin tưởng ở sự thành công. Nhưng con người không phải là ông thánh chỉ có đúng mà không có sai, trong chiến đấu chỉ có thắng mà không có thua. Sử dụng cán bộ mà đòi hỏi họ phải tuyệt đối đúng trong mọi quyết sách và phải trăm trận trăm thắng thì quả là không thực tế. Và sẽ là tệ hại hơn nếu trăm thắng là không đáng kể, một sai lầm, một sai sót là quá đáng kể và phải trừng trị. Tôi e rằng chúng ta sẽ không có cán bộ tốt nào dám làm việc với chúng ta.
3. Tôi đề nghị các đồng chí xem xét giải tỏa cho các cháu Legamex, cái nào do các cháu sơ suất trong kinh doanh thì cùng rút kinh nghiệm với các cháu, cái nào các cháu phạm sai lầm thì nghiêm khắc kiểm điểm thậm chí nếu cần thì kỷ luật để các cháu từ đó lớn lên và tiếp tục cống hiến.
Về vật chất cũng phải sòng phẳng, công bằng, khoản nào các cháu phải bồi thường, khoản nào trả lại cho các cháu hoặc trả lại hết cho các cháu. Tôi nghĩ khó mà thuyết phục được nếu khi các cháu Legamex đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách lúc thành công và lại phải bồi thường khi thất bại.
4. Tôi cũng đề nghị các đồng chí xem xét tuyên bố vô tội đối với anh bộ đội phục viên làm hợp đồng trang trí nội thất cho Legamex. Là người lao động tự do, anh ta được hưởng theo đúng thỏa thuận đã được hai bên cam kết. Không thể quy tội cho anh ta là lấy giá cao hơn giá quy định của nhà nước trong khi anh ta mua vật tư và sức lao động theo giá thị trường. Anh ta chỉ có tội nếu móc ngoặc với Ban lãnh đạo Legamex nâng giá để chia nhau. Công an Thành phố đã loại trừ việc đó. Vì vậy, để bảo vệ sự công minh, tôi nghĩ cần hoàn trả cho anh ta số tiền chính đáng mà anh ta được hưởng hay đúng ra là của anh ta.
Hết sức mong các đồng chí xem xét. Ước vọng của tôi là làm sao chúng ta sớm có một xã hội công minh, chúng ta có một đội ngũ cán bộ năng nổ, có chí, có tài và trong sạch, chúng ta là chỗ dựa đáng tin cậy cho các cháu khi thành công cũng như khi thất bại, nguồn động viên quý báu cho các cháu khi phạm phải sai lầm, khi vấp ngã để các cháu vươn lên.” (đã ký) Trần Bạch Đằng.
Mãi đến ngày 19 tháng 1 năm 1998 tôi nhận được Quyết định “Đình chỉ điều tra đối với bị can”. Tại khỏan 4 ghi: yêu cầu cơ quan chủ quản hoặc UBND địa phương phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho bị can đã bị tạm đình chỉ trong thời gian khởi tố, đồng thời kiểm điểm xử lý hành chánh một cách nghiêm khắc. 
Tháng 10 năm 1998 tôi được chuyển biên chế về Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam (VCCI). 
Tiền mua cổ phần của gia đình tôi được trả lại bằng giá trị VNĐ cộng tiền lãi theo lãi suất tiền gửi không thời hạn tại ngân hàng. Mặc dù so với giá trị thời điểm mua và thời điểm hoàn trả lại có bị thiệt thòi do tỉ suất giữa US Dollar và VN Đồng thay đổi. Nhưng tôi động viên gia đình tôi chấp nhận vì đồng tiền bị mất đi, hoặc bị thiệt thòi cũng giống như kinh doanh gặp rủi ro. Bằng cố gắng, bằng nỗ lực, người có thể làm ra của. Còn danh dự con người mới là quan trọng. Việc được hoàn lại tiền mua cổ phần Legamex đồng nghĩa với sự được hoàn lại danh dự mà gia đình tôi đã bị tước mất trước đó.
Sau 11 năm kể từ ngày tôi gặp sự cố. Nhân dịp cuối năm Bính Tuất (2006) chuẩn bị đón năm mới, tôi đến thăm và chúc tết một số anh chị mà trước đây có quan tâm đến sự việc của tôi. Khi tôi đề cập nguyện vọng viết tự truyện của tôi, tôi đã được các anh chị cho những nhận xét và góp ý rất chân tình đối với tôi:
Chị Hòang Thị Khánh, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng TPHCM, chị nhắc lại chuyện cổ phần hóa Legamex và cho rằng ngày ấy các thông tin về chủ trương cổ phần hóa còn quá mới và sự nhìn nhận đánh giá về công ty Legamex cũng có những ý kiến khác nhau. Vì thế khi anh Võ Ngọc Bé về tiếp tục điều hành công ty Legamex một cách thuận lợi chứ không phải lo lắng giải quyết hậu quả như những đơn vị có sự cố khác nên mọi người dần dần đã hiểu rõ hơn về sự việc của Legamex. Chị kể lại rằng lúc ấy với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. HCM, chị cũng quan tâm về đời sống cán bộ công nhân viên của Legamex, sợ rằng sẽ bị xáo trộn khi thay đổi lãnh đạo công ty. Chị được anh Võ Ngọc Bé cho biết “tôi có báo cáo với Thành ủy và trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh: sự việc của chị Sơn như thế nào có cơ quan điều tra làm rõ. Riêng việc nhận bàn giao Legamex, tôi khẳng định những vấn đề về tài chính của công ty không có gì khó khăn, chị Sơn đã có mối quan hệ rất tốt với khách hàng, khách hàng là những công ty có tên tuổi, có uy tín và chị cũng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý giỏi và lực lượng công nhân viên làm việc rất chuyên nghiệp lành nghề. Tôi về nhận bàn giao thuận lợi, không thay đổi hay xáo trộn về nhân sự nên khách hàng tiếp tục thực hiện hợp đồng, doanh số công ty không bị sút giảm nên thu nhập của cán bộ công nhân viên công ty vẫn ổn định”. Chị Khánh đánh giá cao về ý kiến phát biểu của anh Bé (qua câu chuyện này, tôi xin cám ơn đồng nghiệp của tôi - anh Võ Ngọc Bé, người Tổng giám đốc thứ hai của công ty Legamex).
Anh Đinh Phong, nguyên Phó giám đốc Đài truyền hình TP HCM, anh và nhà báo Thép Mới là những người ủng hộ chính sách đổi mới của Nhà nước. Nhà báo Thép Mới đã có bài viết “Gió đã hây hây thổi” vào năm 1988, trong đó có nhắc đến một số sự việc đáng ghi nhận trong tiến trình “đổi mới” ở các đơn vị kinh doanh. Còn anh Đinh Phong là người gắn bó với công việc đổi mới ở Công ty Lương thực, Nhà máy Dệt Thành Công, Nhà máy thuốc lá, sân bay Tân Sơn Nhất... cũng là người cùng phóng viên xuống Legamex tuyên truyền sự đổi mới của Legamex và ủng hộ chương trình “cổ phần hóa”. Anh nói về trường hợp của tôi và cổ phần hóa Legamex cần lưu ý mấy vấn đề: “Dân gian có câu “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Lội xuống nước không có người đi trước và không biết trước chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, chỗ nào là cát, là bùn lầy, chỗ nào là đá ghềnh nguy hiểm. Cô là phụ nữ mà dám “lội” trước cả nam giới, Legamex của Thành phố mà dám nhận là đơn vị làm thí điểm cổ phần hóa của Trung ương. Vậy thì “lội nước” mà dám nhận đi trước thì phải chấp nhận có sự may rủi. Hơn nữa chủ trương cổ phần hóa lúc ấy còn quá mới, các quy định hướng dẫn thực hiện cũng chưa đày đủ. Bây giờ mọi việc đã rõ, hơn mười năm qua chương trình cổ phần hóa và chính sách đổi mới của Nhà nước đã có những thành tựu đáng kể. Cá nhân cô Sơn sau những sự cố nặng nề, hoàn cảnh khó khăn như thế mà vẫn phấn đấu vươn lên; trong nhiệm vụ mới cũng đạt được những thành tích tốt. Tôi nghĩ nhà nước cũng nên đúc kết rút kinh nghiệm về chương trình cổ phần hóa và nên có ý kiến chính thức đánh giá những mặt tốt, mặt tích cực của cô Sơn trong việc đi trước chương trình thí điểm cổ phần hóa của Nhà nước”.

(còn nữa)

 

Trích trong TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP 

Xuất bản năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN

Tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM

 

Nguyễn Thị Sơn

 

Trúc Lâm - Đà Lạt (1) 0011

Lượt xem

7

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0