TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 12 & 13 - SỰ CỐ LỚN TRONG CUỘC ĐỜI

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 12 -
SỰ CỐ LỚN TRONG CUỘC ĐỜI

TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP 
Sự nghiệp đang phát triển, Legamex là một thương hiệu mạnh Việt Nam ở thời kỳ đầu thập niên 1990s. Tháng 8 năm 1991 công ty chuyển cấp chủ quản từ quận 10 lên thuộc Sở Công nghiệp TP. HCM. Đến năm 1993, nhà nước có chính sách đổi mới doanh nghiệp, cụ thể là chương trình “Cổ phần hóa” doanh nghiệp và chọn Legamex là thí điểm đầu tiên. 
Tôi hăng hái là người đi tiên phong vì những lý do: 
1) MIB đang có chủ trương bán nợ, đây là cơ hội bằng vàng để chỉ trả nợ với giá 40% là hết nợ, cổ phần hóa để thu hút vốn mua lại nợ; 
2) Ngành may đang có tiềm năng phát triển, cổ phần hóa để có thêm vốn tự có đầu tư mở rộng nhà máy, phát triển sản xuất kinh doanh; 
3) Chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của nhà nước. 
* Chương trình cổ phần hóa công ty Legamex được chính phủ, các bộ ngành trung ương ủng hộ (chủ trì thí điểm cổ phần hóa do Phó Thủ tướng Trần Đức Lương trực tiếp chỉ đạo),

Lãnh đạo TP HCM cũng ủng hộ (văn bản số 5908/UB-CN ngày 05/12/1992 của Chủ tịch UBND TPHCM Trương Tấn Sang gửi Văn phòng Chính phủ về việc xin làm thí điểm cổ phần hóa tòan bộ công ty Legamex).

Tập đòan chứng khóan Credit Lyonnairs Securities và Quỹ Việt Nam Fund cũng đến giúp Legamex làm nghiên cứu khả thi về cổ phần hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế. 

 

Chương trình cổ phần hóa đang tiến hành thuận lợi, nhưng không hiểu sao có hai anh chị nhà báo MA, NT viết bài đưa tin thiếu tính cách xây dựng, chủ yếu công kích cá nhân tôi và gây mâu thuẫn giữa tôi và một số vị lãnh đạo quận 10. Sau đó biến sự việc từ mâu thuẫn cá nhân sang mâu thuẫn quan điểm sở hữu. Có ý kiến cho rằng tôi muốn biến tài sản Xã hội Chủ nghĩa thành tài sản tư nhân. Thế là tiến hành thanh tra. Kết luận của Ủy ban Thanh tra TP HCM ký ngày 07/04/1994, được gửi gấp đến công ty Legamex ngày 8/04/1994, thì chỉ 3 ngày sau, ngày 11/04/1994 UBND thành phố ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ ban giám đốc công ty Legamex và cử ban giám đốc mới về thay thế.

Kiến nghị trong báo cáo kết luận của Ủy ban Thanh tra không có khoản nào yêu cầu chuyển hồ sơ sự việc sang cơ quan điều tra, nhưng không hiểu tại sao cơ quan điều tra vào cuộc. Rồi khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bất kể các nguyên tắc về thủ tục tố tụng; bất kể văn bản của Văn phòng Chính phủ ngày 19/04/1994, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải có ý kiến: “giao Thanh tra Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân TPHCM, xem xét kỹ những căn cứ kết luận sai phạm, cái gì thuộc về sai phạm của Ban Giám đốc Công ty Legamex, cái gì thuộc quyết định của cấp trên mà công ty phải làm, cái gì thuộc cơ chế chung của thời điểm đó để bảo đảm việc xử lý sai phạm của cán bộ khách quan, đúng pháp luật”. (Ngày ấy Văn bản này được báo Thanh Niên đưa tin)

Tôi hỏi cán bộ điều tra: “trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế cụ thể là quy định nào về quản lý kinh tế? gây hậu quả nghiêm trọng là nghiêm trọng cỡ nào?” Một vụ án về quản lý kinh tế mà tài sản công ty không hề bị thất thoát, bị can không có dấu hiệu lừa đảo hay có ý bỏ trốn mà vẫn tiến hành bắt giam? Chẳng ai trả lời. Đó là ngày 10/06/1994. 


Ở trại tạm giam Chí Hòa, mấy tháng liền tôi chẳng nhận được tin tức gì của gia đình. Khóc mãi cũng hết nước mắt, trong phòng tôi ở có 40 chị đủ độ tuổi, đủ thành phần, mỗi người một manh chiếu 60 phân, buổi sáng xếp hàng tranh nhau chỗ rửa mặt, chỗ làm vệ sinh. Mỗi người mỗi sự việc, mỗi hoàn cảnh, ai cũng lo lắng không biết số phận mình ra sao. Có chị lo buồn chuyện nhà cửa, con cái không ai chăm sóc, rồi lo chuyện chồng ở nhà có chung thủy không hay lại có người khác, thế là tiếng rên rỉ, tiếng than khóc, thậm chí tiếng la thét như điên như dại.


Mặc dù am hiểu luật pháp, tôi biết tôi không có tội nhưng sự việc diễn biến đối với tôi cứ như chuyện xảy ra ở nơi nào đó chứ không phải ở TP HCM, Trung tâm Kinh tế Tài chính của cả nước. Điều này làm tôi hoang mang liệu có công lý thật sự không? Những lúc lo buồn trông ngóng tin nhà, đang từ trên trời rơi xuống địa ngục, một người làm việc hoạt bát đi đây đi đó mà phải ngồi bó gối miệng ngậm tăm, tôi thoáng nghĩ giá như chồng tôi còn sống, chắc đã có người chăm lo cho việc của mình. Các con dù đã khôn lớn nhưng việc này vượt quá khả năng của các con, không biết anh chị em chúng có bảo bọc nuôi nhau được không vì có bao nhiêu tiền tôi đã góp mua cổ phần công ty hết rồi.


Trước đây tôi học luật để biết luật pháp mà ứng dụng trong kinh doanh, bây giờ tôi nghiên cứu luật để tự cứu mình và giúp đỡ mọi người nên kiến thức luật pháp của tôi trở nên sâu sắc hơn. Ý chí trở nên mạnh mẽ, tôi khuyên mọi người không nên khóc nữa, không nên nói năng văng tục, chửi thề bừa bãi nữa, phải học tập để khi về còn làm việc có ích cho gia đình. Thấy tôi ăn nói chững chạc, cán bộ trại giam đề nghị tôi làm “trưởng buồng”. Tôi đề nghị cán bộ cho phép mua báo Saigon Times, tổ chức cho mọi người đọc báo và học tiếng Anh, cho phép mượn kim để các chị học thêu rua. Nhiều chiếc áo gối thêu rua đẹp đã được các chị chuyển về tặng gia đình mỗi lần được thăm nuôi.

Thỉnh thỏang trại giam cũng khám xét các buồng giam. Các chị thường hay dấu các thỏi son, kem phấn để mỗi lần thăm nuôi ra gặp gia đình trang điểm cho tươi tắn nhưng cũng bị tịch thu. Tôi nói với cán bộ trại giam, tại sao phải tịch thu những việc không đáng như thế. Các chị em này còn trong thời kỳ tạm giam để điều tra sự việc, họ chưa là người có tội khi chưa có tuyên án của tòa án. Việc bắt họ mặc áo tù nhân ra gặp người nhà cũng là không đúng, trang điểm một chút cho khuôn mặt đỡ xanh sao cũng chỉ là tính cách rất phụ nữ thì có gì phải cấm. Nhưng cán bộ bảo đó là quy định của trại giam.

 

CHƯƠNG 13
LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
Ở trại tạm giam, có những việc xảy ra không thể lý giải hoặc phân tích bằng khoa học biện chứng, nhưng thật sự có những sự việc chính tôi đã gặp vì thế không thể nói là không tin. Suốt 9 tháng không có tin tức của gia đình, sức khỏe tôi càng ngày càng kém. Ngồi bó gối nhiều ngày không vận động, tôi bị bệnh thấp khớp nặng nhiều đêm đầu gối nhức đỏ và xưng như quả bưởi.

Mỗi Chủ nhật nhìn mọi người ra gặp mặt gia đình, tôi ngồi im lặng đọc sách để quên nỗi buồn. Tôi nhớ hôm ấy là chiều Thứ Bảy trong lúc tôi ngồi đọc sách có một con thạch sùng (thằn lằn) rơi từ trần nhà xuống thẳng cuốn sách tôi đang đọc. Tôi rất sợ thạch sùng nên hoảng hốt tung cuốn sách ra nhưng mọi người lại reo lên và bảo tôi sắp có tin tốt lành, quả thật sáng hôm sau tôi được gọi ra gặp người nhà. Các con tôi có mặt đông đủ, tôi ôm các con khóc, các con tôi cũng khóc vì thương mẹ xanh xao. Hôm ấy về lại buồng tạm giam, tôi bày các thức ăn con tôi mua thăm tôi để cúng thánh thần, nhang được thay bằng ba điếu thuốc lá. Tôi khấn nếu tôi được về tôi sẽ xuống tóc đi tu, ba điếu thuốc cháy hết mà tàn vẫn thẳng, mọi người bảo thần linh đã chứng giám lời khấn của tôi. 
Tôi nhớ rất rõ cái đêm trước khi tôi được thả cũng là Thứ Bảy, mọi người rủ nhau đi ngủ sớm để ngày mai gặp thân nhân. Nhưng không hiểu sao đêm đó tôi thức trắng không sao ngủ được, tiếng thạch sùng rúc lên từng hồi. Hôm sau mọi người ra gặp gỡ người nhà, tôi chờ đợi đến mỏi mòn cũng không thấy gọi tên, 4 giờ chiều là hết giờ thăm nuôi, mọi người đã về buồng, tôi thất vọng đến thẫn thờ ngồi thừ người chẳng biết làm gì. Khoảng 5 giờ cánh cửa buồng giam xịch mở, mọi người reo lên chị Sơn được về, tôi nghe mà như người bị mộng du, phải đến mấy phút sau mới thật sự hiểu là mình đã được thả. Sau này khi cuộc sống của tôi đã ổn định thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng rúc của thạch sùng và y rằng hôm sau nhà có khách, trước đây tôi rất sợ thạch sùng, còn bây giờ tôi dặn các con tôi và người giúp việc đừng xua đuổi nó.
Ngày tôi được thả là ngày 6 tháng 4 năm 1995. Tôi về nhà mong chờ lãnh đạo xem xét bố trí lại công tác. Mọi người khuyên tôi xin về làm tư nhân, nhưng tôi bảo tôi đã từng là doanh nghiệp tư nhân, nhà nước tin cậy và tuyển dụng tôi để trở thành cán bộ viên chức nhà nước, tôi được bổ nhiệm có bậc ngạch của nhà nước, đấy là danh dự của tôi, và cũng là trách nhiệm của nhà nước theo quy định của luật pháp. Hơn nữa tôi muốn tiếp tục được khẳng định mình, muốn chứng minh rằng cán bộ nhà nước vẫn còn những người thành công bằng sự trung thực và bằng chính khả năng thật sự của mình.
Nhưng sự việc chẳng hiểu tại sao cứ im lặng suốt hai năm trời một cách đáng sợ. Tôi nhớ lời khấn trong trại giam nên xuống tóc, các sư thày bảo tôi có căn tu nhưng chưa phải lúc vì thế cho tôi gọt đầu nhưng quy y tại gia. Trong thời gian này tôi tham gia tư vấn luật pháp cho doanh nghiệp tại Trung tâm thông tin tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam. Những lúc ra đường tôi bịt khăn, lúc đầu cũng đội tóc giả nhưng nóng quá tôi để đầu trần đi làm việc. 


Trước đây, khi hai nhà báo MA và NT viết bài nói không đúng về tôi thì hầu như các báo khác tại TP. HCM chỉ đưa tin diễn biến sự việc chứ không bình luận. Khi mọi việc rõ ràng, nhiều báo đã viết bài bảo vệ tôi kể cả báo Lao động trước đây đăng những bài của MA, NT thì bây giờ cũng có bài viết tường trình lại sự việc của nhà báo Trần Quang. Báo Doanh nhân Sàigòn sau này cũng có bài viết của nhà báo Kim Phi nói về sự phấn đấu vực dậy của tôi sau những sự cố.

Một hôm Tạp chí Người Làm Báo thuộc Trung ương Hội Nhà Báo VN tổ chức Hội thảo “Báo chí và doanh nghiệp trong sự nghiệp đổi mới” có mời tôi dự. Tôi phát biểu tham luận xong thì có một nữ doanh nhân phát biểu. Chị nói rằng trước đây chị đã từng là nhà báo, từng viết bài gay gắt với các doanh nghiệp, xem họ đồng nghĩa với bóc lột, với gian lận thương mại. Bây giờ chị là doanh nhân, đối mặt hàng ngày với những khó khăn, với những sự quấy nhiễu không tên của các cán bộ ngành, chị mới thông cảm cho doanh nghiệp.

Lúc nói chuyện với tôi, chị bảo chị chính là nhà báo NT, ngày ấy chỉ vì chị còn quá trẻ, chị không thích kiểu làm phách kiêu kỳ của tôi nên cố ý viết nặng nề không ngờ sự việc diễn biến quá đáng với tôi như thế. Chị bảo: “tôi đã viết nhiều bài xin lỗi doanh nhân trên báo không biết chị Sơn có đọc và có biết không”. Bất ngờ quá, tôi bắt tay chị và cùng chị ngồi ăn cơm do hội nghị chiêu đãi. Cùng dự hôm ấy có một anh nguyên là Phó Tổng biên tập báo Sàigon Giải phóng (sau này tôi mới biết tên anh là Cao Xuân Phách), khi nghe vậy anh lắc đầu và bảo: “làm báo mà chỉ vì không thích người ta mà viết quá như thế thì thiếu cái tâm của nhà báo, đúng là ngòi bút có thể xây dựng một nhân vật điển hình, ngòi bút cũng có thể giết chết một đời người”. 
Lời xin lỗi muộn màng, nhưng muộn còn hơn không. Chuyện đã lỡ rồi có trách móc thì cũng chẳng giải quyết được điều gì. Dù sao tôi cũng trân trọng với lời xin lỗi đó vì không phải ai cũng có thể nhận ra lỗi của mình và dũng cảm đứng ra xin lỗi công khai như chị. 

(còn tiếp)

Trích trong TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP.
* Hình 1 chụp năm 1993 với Chủ tịch UBND TPHCM Trương Tấn Sang, báo cáo về việc Cổ phần hóa thí điểm công ty LEGAMEX.
* Hình 2 chụp năm 2015 (22 năm sau), tôi đứng bên cạnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ấy tôi là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng Thư Ký Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Nguyễn Thị Sơn

Sách xuất bản năm 2006 – Nhà xuất bản Hội Nhà văn,

Tái bản năm 2019 – Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Tr Tấn Sang - 1993

 

Chủ tịch nước Tr Tấn Sang 2015

 

 

Lượt xem

12

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0