TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 10 - NĂM 1993 - KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG MỸ

 

TỰ TRUYỆN - CHƯƠNG 10 -

NĂM 1993 - KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG MỸ

 

TÌNH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

 

Chuẩn bị cho việc “bình thường hóa” quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI tổ chức chuyến đi khảo sát thị trường Mỹ đầu tiên cho doanh nghiệp Viện Nam năm 1993. Ông Đoàn Ngọc Bông, Phó Chủ tịch VCCI làm trưởng đoàn.

 

Ngày ấy chưa có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên ở thời điểm 1993 chưa có Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội và chưa có cơ quan Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở TPHCM, vì thế mọi người trong đoàn công tác phải sang Bangkok - Thái Lan xin visa vào Mỹ.

Tôi tham gia chuyến đi này với mục đích kết hợp việc mở rộng thị trường kinh doanh của Công ty Legamex ở Mỹ, tham quan du lịch cho hiểu biết về nước Mỹ và thăm gia đình vì tôi có 3 người em trai sống ở Mỹ. Mặc dù thỉnh thoảng chị em có điện thoại nói chuyện với nhau nhưng cũng không thể biết rõ cuộc sống các em ra sao, nên tôi lấy địa chỉ sang thăm nhà các em. Nói chung là tôi luôn luôn chuẩn bị đầy đủ chu đáo để gặp gỡ các em.

 

Thành viên trong Đoàn đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đủ các ngành Điện lực, Công nghiệp, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch, Tài chính, Ngân hàng... Khi đến Bangkok, mọi người đã kịp gặp gỡ giới thiệu làm quen nhau, nói chuyện rất hồ hởi vui vẻ. Sáng hôm sau mọi người cùng ra Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bangkok làm thủ tục xin Visa vào Mỹ. Chờ đợi, xếp hàng cũng nhanh, nhưng tôi thấy bắt đầu có tiếng rì rầm, hình như có vài anh chị không được cấp visa. Đến lượt tôi, anh người Mỹ tùy viên Sứ quán Mỹ tại Bangkok phỏng vấn, hỏi tôi lý do đi Mỹ, tôi trả lời đi thăm gia đình và đi du lịch. Anh ta lại hỏi “gia đình bà ở tiểu bang nào, có địa chỉ không”, tôi đưa cho anh ta xem địa chỉ của các em mà tôi đã ghi sẵn trong tập hồ sơ, anh ta nhập vào máy tính rồi cười “chúc bà thượng lộ bình an”. Sau này tôi được biết, mọi công dân Mỹ đều có thông tin dữ liệu trên máy tính, mình nói đúng, chính xác là họ đồng ý cấp visa ngay.

 

1) TẠI SAN FRANCISCO

Ngày đầu tiên chúng tôi đến Mỹ là Sân bay Quốc tế San Francisco, thuộc miền Bắc California. Mọi người xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh, cả đoàn đi qua cũng rất nhanh, riêng tôi bị chậm lại. Một ông mặc sắc phục An ninh Hải quan đến nhỏ nhẹ mời tôi ra khỏi hàng. Ông ta có cái đầu hói, hỏi tôi “bà đến Mỹ làm gì?” – “tôi đi du lịch và thăm gia đình”, “what’s your occupation/nghề nghiệp của bà là gì?” – “I am a business woman/ Tôi là doanh nhân”. “Is your father a general in the army?/ Có phải cha bà là tướng trong quân đội không?” – “no, he’s a business owner/ không, ông ấy là chủ doanh nghiệp” – “So, why do you have an official passport?/ thế sao bà có hộ chiếu công vụ”- “because I’m the General director of a state – owned enterprise/ bởi vì tôi là Tổng giám đốc doanh nghiệp quốc doanh” – “oh! Good luck with your trip/ ồ, chúc chuyến đi của bà thành công nhé”. Hóa ra trong đoàn mọi người sử dụng hộ chiếu phổ thông, còn tôi sử dụng hộ chiếu công vụ nên họ tưởng tôi là con của ông tướng nào đó…

 

Cả đoàn đã ra chỗ lấy hành lý và đã lần lượt đi qua cổng khai báo Hải quan. Tôi ra sau, hành lý của tôi có hai va li vì tôi mang theo hàng mẫu là áo Jacket và giầy thể thao để làm việc với đối tác. Khi ra cổng có 2 cổng, ai không có hàng khai báo thuế thì đi thẳng. Nhân viên Hải quan hỏi tôi có gì khai thuế không? Tôi bảo không vì tôi chỉ mang hàng mẫu để chào hàng. Họ bèn giải thích: nếu là hàng mẫu thì không được bán. Vậy số hàng mẫu của bà, chúng tôi phải cắt bỏ một bên tay và đục lỗ ở đế giày. Thế là họ cầm cái kéo cắt phăng một bên tay áo Jacket và đục lỗ 1 chiếc giày. Ok, đó là một bài học cần rút kinh nghiệm. Thật ra nếu tôi không khai là hàng mẫu mà chỉ nói hàng mang theo để mặc thì họ cũng chẳng đưa nguyên tắc hàng mẫu làm gì. Thật thà quá, hihi.

 

Một xe bus lớn của Công ty Du lịch đón chúng tôi. Sau chuyến bay dài chúng tôi cảm thấy mệt mỏi chỉ muốn về khách sạn. Anh hướng dẫn viên du lịch biết tâm lý mọi người nên nói cười hoạt bát giới thiệu các khu phố China Town của San Francisco nên mọi người lại hào hứng nói chuyện như pháo ran.

Đến khách sạn, tôi thấy hình như mọi người trong đoàn ai cũng có gia đình thân quen ở Mỹ và đã đang đứng chờ ở sảnh khách sạn, các gia đình gặp nhau ôm hôn nhau thắm thiết theo kiểu của người Việt Nam.

 

Các em trai của tôi, Nam, Nghĩa cũng lái xe từ Los Angeles đến gặp chị. Tôi vui mừng quá. Nam thì trông rắn rỏi, Nghĩa ngày ra đi còn trẻ quá nên hợp bơ sữa của Mỹ, người cao, khỏe mạnh. Gần 20 năm (1975-1993) chị em mới gặp nhau. Tôi không thể diễn tả được tình cảm của chị em tôi như thế nào sau nhiều năm xa cách. Các em đưa tôi đi ăn cơm ở nhà hàng Tầu, đi siêu thị mua sắm quần áo. Tôi bảo tôi mang theo quần áo nhiều lắm, em Nam nói, “người Mỹ họ thoải mái lắm, ra đường là áo pull quần jean giày thể thao để còn đi bộ cho nhanh, ở những khu down town kiếm được chỗ để xe không dễ, phải đi bộ hằng quãng đường nên ít ai mặc đầm đi giày cao gót nhọn như chị”.

 

Rồi các em tôi lái xe đưa tôi đi một vòng thành phố. Ngồi trên xe nhìn phía trước thấy đường phố San Francisco như những quả đồi chập chùng, đường xá uốn lượn chỗ cao chỗ trũng, nhiều đoạn phố có bậc thang bằng đá tự nhiên cho người đi bộ leo lên những khu nhà biệt thự của dân cư. Vừa là City, vừa là County, San Francisco là một trung tâm văn hóa, thương mại và tài chính ở tiểu bang California và là thành phố đông dân của Hoa Kỳ.

 

Lúc vào Siêu thị (Supper market) và các Cửa hàng sang trọng (Department store), tôi thấy có nhiều cửa hàng thời trang trưng hàng rất rực rỡ (theo lối trang trí của Mỹ), giá cả cũng không mắc lắm (theo sự hiểu biết của tôi), nhưng xem nhãn hiệu thì thấy đó là những hàng hiệu nổi tiếng nhưng ghi “made in China” (sản xuất nhượng quyền thương hiệu). Bước sang gian hàng mỹ phẩm, giá thời đó mỗi cây son giá 1 USD, nếu mua 5 cây son thì giá chỉ còn 4 USD, tôi thích thú chọn mua nhưng dưới đáy cây son ghi “made in Thailand”. Tôi bảo với em tôi, chị đi Mỹ, mang quà về cho mọi người phải là hàng Mỹ chứ, ai lại rước hàng nước khác về tặng.

 

Hôm sau chúng tôi làm việc ở phòng hội thảo thuyết trình về thị trường Việt Nam, và gặp gỡ các đối tác do Phòng Thương mại Hoa Kỳ giới thiệu. Ngắn gọn, chu đáo, chuyên nghiệp, những hình ảnh hội thảo, thương lượng ký kết hợp đồng ở San Francisco với những nụ cười đầy thiện chí… Tại thời điểm đó, tôi được biết thêm thông tin, thị trường Mỹ là thị trường tiêu dùng có sức mua cao, Liên bang Hoa Kỳ đã có chính sách ưu đãi về “toàn cầu hóa”, Nền công nghiệp Mỹ chỉ ưu tiên sản xuất hàng chất lượng cao, sản phẩm vượt trội mà các quốc gia khác không làm được (máy bay, vũ khí, tầu ngầm, tầu vũ trụ, xe hơi, máy tinh, hệ thống quản lý thông minh, công nghệ phần mềm.. vv..) còn hàng tiêu dùng và lương thực thực phẩm thì nhập khẩu bất cứ nơi nào mà đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho người dân. Ôi thế sao mà doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ ngỏ thị trường này nhỉ.?.

 

Từ những nỗ lực toàn cầu hóa thị trường mà năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký Hiệp định Song phương về Đầu tư và Thương mại, Dịch vụ. Đến năm 2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, tham gia vào các tổ chức về Chính sách Tiền tệ, Thuế quan… của khu vực và thế giới...

 

Sau đó Đoàn đi tham quan những thắng cảnh ở San Francisco như Cầu Cổng vàng Golden Gate Bridge và Cung điện Palace of Fine Arts …

* Cầu Cổng vàng Golden Gate Bridge là một cây cầu treo bắc qua Cổng Vàng, eo biển rộng một dặm (1,6 km) nối liền Vịnh San Francisco và Thái Bình Dương.

* Cung điện Palace of Fine Arts, được xây dựng từ năm 1915 là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt vời được thiết kế bởi kiến trúc sư Bernard Maybeck, người đã lấy cảm hứng từ kiến trúc La Mã và Hy Lạp để tạo nên sự kết hợp độc đáo của công trình.

Chúng tôi đã thích thú chụp nhiều ảnh đẹp ở San Francisco, Golden Gate Bridge và Cung điện Mỹ thuật Palace of Fine Arts. Nhưng rất tiếc đã 30 năm, hình ảnh hầu như đã thất lạc và nhạt mầu.

 

2) TẠI WASHINGTON D.C.

Chúng tôi đến Thủ đô Washington D.C. (District Columbia) của Liên bang Hoa Kỳ (United States of America) ngày 8/5/1993,

Với thời gian không có nhiều nên Đoàn công tác của Doanh nghiệp Việt Nam được sắp xếp một chương trình tham quan dầy đặc.

Tại Wasington D.C. Chúng tôi sẽ đến thăm một số nơi tiêu biểu của Thủ đô nước Mỹ như: Nhà trắng, Đài tưởng niệm Thomas Jefferson, Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.

Tôi và các chị trong đoàn rủ nhau mặc áo dài cho đẹp, đúng là phụ nữ Việt Nam đi đâu cũng diện. Không ngờ hôm đó đi bộ nhiều quá.

·       Nhà Trắng hay Bạch Cung là nơi ở chính thức và là nơi làm việc chính của Tổng thống Hoa Kỳ. Nhà Trắng là một biệt thự sơn màu trắng và được xây bằng sa thạch theo kiểu tân cổ điển, thuật ngữ "Nhà Trắng" thường được dùng để chỉ chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, Nhà Trắng không chỉ là một biểu tượng quyền lực của chính phủ Hòa Kỳ mà còn là địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách thể giới. Ngày đó an ninh của Nhà Trắng tương đối thoải mái, chưa thắt chặt như bây giờ (từ tháng 11 năm 2001 sau khi xảy ra vụ máy bay khủng bố 2 tòa tháp đôi thì tình hình an ninh của nhà trắng được tang cường hơn). Chúng tôi vào tham quan các phòng lưu niệm của các phu nhân tổng thống của các nhiệm kỳ trước, mỗi bà trang trí một kiểu riêng theo sở thích màu sắc và gu thẩm mỹ của các bà. Ông William Jefferson Clinton (Bill Clinton) là Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ từ 20 tháng 1 năm 1993 đến năm 2001. Nên năm đó Nhà Trắng để hình bìa của hai ông bà dựng ở trước cửa cho công chúng chụp hình với Tổng thống và phu nhân làm kỷ niệm. Sân vườn chung quanh nhà trắng là thảm cỏ xanh, có rất nhiều chim đủ màu sắc và to hơn chim ở Việt Nam, những con sóc lông rất dài chạy quanh du khách không biết sợ là gì, và các con quạ tuy chúng cũng có màu đen nhưng màu đen óng như nhung, dễ thương chứ không có vẻ ác như phim hoạt hình của mấy mụ phù thủy. Tôi mặc bộ áo dài mầu hồng cánh sen đứng tạo dáng chụp hình, chỉ thấy mấy ông nhà mình trong đoàn lén ngắm chứ Tây nó chẳng để ý vì nước Mỹ là Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ với nhiều sắc tộc, nhiều nền văn hóa khác nhau nên việc mặc áo dài hay váy áo của Ấn Độ hay xiêm y của người Lào, Thái Lan, họ cũng không quan tâm lắm,

 

·       Chúng tôi đến tham quan Đài tưởng niệm Thomas Jefferson, hay còn gọi là Điện Thomas Jefferson. Điện lấy khuôn mẫu của đền Pantheon, đi kèm với tư tưởng thể hiện khát vọng tự do, độc lập và công bằng của vị Tổng thống nước Mỹ. Khu tưởng niệm mang nhiều nét cổ kính, được xây dựng vào thời điểm mà tư tưởng hiện đại đang phát triển mạnh. Đài Tưởng niệm Jefferson xây dựng theo kiểu bán cổ điển là kiến trúc nhiều cột (kiểu đền La Hy) với vòm mái hình bán cầu màu trắng. Bên trong công trình là nơi đặt tượng Tổng thống Thomas Jefferson.

 

Từ xa, mọi người vẫn có thể nhìn rõ hình 4 vị tổng thống lừng danh, những vĩ nhân tượng trưng cho các tính chất tiêu biểu cấu thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ như đấu tranh giành độc lập (George Washington: 1732 – 1799), vì nền dân chủ (Thomas Jefferson:1743 – 1826), bãi bỏ chế độ nô lệ (Abraham Lincoln:1809 – 1865), mở mang kinh tế và bảo tồn môi trường thiên nhiên (Franklin Delano Roosevelt:1882 – 1945). Cùng với thời gian, quần thể tượng đài này được biểu trưng cho lịch sử 130 năm đầu tiên của Hoa Kỳ.

 

·       Chúng tôi cũng đến tham quan Bức tường Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War Wall) hay còn gọi là Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, nằm trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial). Bức tường làm bằng đá đen với chiều dài mỗi cạnh khoảng 75 mét. Trên bức tường đen láng bóng có khắc tên của hơn 58.000 người lính Mỹ đã chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những cái tên được khắc chi chít từng hàng, theo thứ tự ngày báo tử hoặc mất tích. Trong trường hợp những người mất tích còn sống trở về, tên họ sẽ được khoanh tròn như biểu tượng của sự sống.

·       Bức tường Chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C. do các cựu chiến binh Mỹ, các tổ chức nhân đạo và tư nhân đóng góp. Ý tưởng xây dựng bức tường cũng đã được khởi xướng từ một nhóm Cựu chiến binh Việt Nam ở Washington D.C. Bức tường đá đen khắc 58.000 tên tuổi với từng ấy số phận khác nhau, tự bản thân nó nói lên sự bi thảm của chiến tranh, một cuộc chiến tranh với những người lính Mỹ là vô nghĩa và lẽ ra không nên có trong lịch sử Hoa Kỳ. Người Mỹ cũng bị cuộc chiến này ám ảnh suốt mấy thập kỷ. Chiến tranh đã lùi xa, dù ở phía nào, bên thắng trận hay bên thua trận thì cái chết của những người lính luôn là nỗi đau khôn cùng đối với gia đình và người thân của họ.

·       Cả Đoàn đi nhẹ nhàng và tự dung không khí trầm xuống.

 

3) TẠI NEW YORK.

Ngày hôm sau chúng tôi làm việc ở New York, đi thăm Tượng đài Nữ thần Tự do và Tòa nhà Liên Hiệp Quốc.

·       Tượng Nữ thần Tự do là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách Tân cổ điển với kích thước lớn, đặt trên đảo Liberty tại cảng New York thuộc thành phố New York Hoa Kỳ.

·       Khi ở nhà tôi đã rất háo hức muốn thấy tận mắt tượng Nữ thần tự do qua hình ảnh. Nhưng thật sự tôi không thể ngờ về sự hùng vĩ của tượng đài trên một công viên rộng lớn của đảo Liberty. Cả đoàn được mua vé xuống tầu du lịch đi ra đảo dọc bến cảng New York. Lên đảo, đi vòng quanh một lúc, tôi bắt đầu thấm mệt vì đi bộ nhiều quá, Hôm qua ở Washington D.C. thì mặc áo dài nên phải đi guốc cao gót, chân bắt đầu phồng. Hôm nay thì mặc áo đầm nhưng cũng điệu, trời se lạnh, đứng trên tàu gió biển thổi to mà không khoác thêm áo ấm, nên sau khi đi dạo công viên thì mình ngồi nghỉ mệt, không dám vào tham quan bên trong tượng đài. Nghe mọi người bảo rất cao, trên đỉnh đài gió lồng lộng.

Tòa nhà Liên Hợp Quốc là một tòa cao ốc nằm ở khu vực Midtown Manhattan của Manhattan, thành phố New York. Lô đất nơi tòa nhà tọa lạc được coi là lãnh thổ của Liên Hợp Quốc, mặc dù nó vẫn là một phần của Hoa Kỳ.

Mặc dù tọa lạc ở thành phố New York, trụ sở cũng như không gian của tòa nhà nằm dưới quyền quản lý duy nhất của Liên Hiệp Quốc theo hiệp ước thỏa thuận với Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc đồng ý thừa nhận hầu hết luật pháp của địa phương, bang và liên bang.

Khi đến đây tham quan, tôi có gặp một vài người quen, là chuyên gia phụ trách các dự án của Liên Hiệp Quốc với Việt Nam.

Buổi tối, tôi có gặp gỡ và đi ăn cơm với vài người bạn đã quen biết ở Sài Gòn trước năm 1975. Các anh chị bảo “thời kỳ đầu sang đây cũng vất vả, vừa là khó khăn về ngôn ngữ, dù được các tổ chức xã hội và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ giúp đỡ nhưng lớn tuổi cũng khó học tiếng Anh, nhưng do đã có nền tảng văn hóa, khả năng kinh doanh từ bên nhà, vả lại người Việt hay tự ái, không muốn lệ thuộc vào tiền trợ cấp của chính phủ, nên dần dần cũng gây dựng lại, từ cửa hàng buôn bán ban đầu, bây giờ cũng khá. Một số anh chị làm nail, may gia công quần áo cho các hãng xưởng. Sang được một tiệm nail không phải là ít tiền bởi vì tiệm nail ở đây phải trang bị tiện nghi, máy móc đầy đủ mới có khách hàng, dần dần gây được ngành nghề thương hiệu chuyên môn của người Việt. Khách hàng Mỹ muốn làm sạch sẽ chân tay, làm đẹp đầu tóc là phải vào Salon nail, cắt uốn tóc của người Việt, cũng như muốn ăn cơm tàu thì phài vào nhà hàng người Hoa, muốn mở khách sạn thành công phải là người Ấn… Đã gần 20 năm rồi. Đám trẻ con chúng tôi được ăn học ở Mỹ, đa số học sinh, sinh viên người Việt rất ham học và học giỏi, trở thành công dân Mỹ tham gia vào tất cả các ngành nghề mà xã hội Mỹ cần”.

Bất chợt một chị bạn hỏi tôi: “bà mà sang đây thì tha hồ thi thố tài năng, có bao giờ bà nghĩ bà ở lại với chúng tôi không?”. Tôi trả lời: “Rừng nào cọp nấy, tôi không muốn vất vả làm lại từ đầu. Vả lại tôi không muốn phụ lòng những người đã tin tưởng tôi. Như chuyến đi này, đâu phải ai muốn đi là được đi. Sống phải có trách nhiệm với mọi người, với gia đình. Tôi phải về thôi”

 

4) TẠI LOS ANGELES (LA)

Đoàn Doanh nghiệp lần đầu đến Mỹ rất hào hứng đi tham quan và làm việc, hầu như quên cả mệt nhọc. Nhưng khi về đến Los Angeles, nơi có đông người Việt sinh sống và làm việc ở nước Mỹ. Mọi người trong đoàn ai cũng muốn gặp gỡ người nhà và gặp gỡ người quen để hiểu biết thêm về sinh hoạt của Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Cậu Thành là người em thứ hai của tôi, kém tôi 3 tuổi, cùng vợ con đến đón chị. Biết đoàn đi dài ngày đã mệt mỏi và nhớ cơm Việt Nam nên đã mời cả đoàn ăn cơm ở nhà hàng Tầu có thực đơn gần giống Việt Nam.

Sau đó mọi người đều tạm chia tay để đi với gia đình và hẹn ngày cuối họp đoàn về Việt Nam.

Tôi được các em đưa về nhà thăm gia đình cậu Thành, cậu Nam, cậu Nghĩa. Các em đã lập gia đình và có công việc làm ổn định. Ngày ấy Thành làm việc cho một nhà máy sản xuất linh kiện của Hãng sản xuất máy bay Boeing. Nam thì làm việc cho một Công ty Xuất nhập khẩu, Kho vận, Logistics, Nghĩa ngỏ ý muốn về Việt Nam làm việc với gia đình.

Vì biết tôi quan tâm ngành công nghiệp thời trang, các em tôi cũng đưa tôi đi thăm các khu thời trang của Los Angeles. Sản phẩm thời trang rất phong phú nhưng đa phần là hàng nhập khẩu từ các nước khác. Trên đường đi tôi cũng vào thăm các khu vui chơi và vào thử đánh bài ở Casino. Tôi cũng nghe nói nhiều về việc đánh bài trên máy tự động nên tôi tự dặn mình chỉ chơi trong phạm vi 100 Dola, thắng thua gì cũng chỉ tối đa như thế. Tôi vào chơi thử, có thắng rồi có thua, nhưng thắng nhiều hơn thua làm tôi đắc ý. Nhưng một lúc sau thì dù tinh toán nghiên cứu kỹ lưỡng cách đánh thì tôi lại thua nhiều hơn thắng. Và cuối cùng tôi bị vét sạch hết 100 Dola. Nhưng tôi tỉnh táo, cương quyết đứng lên không chơi nữa.

Người Mỹ và cả người Việt sống ở Mỹ đều rất yêu quý trẻ con, vào các khu mua sắm thường là người cha bế con để cho vợ thảnh thơi chọn lựa, nhưng mợ Mai em dâu tôi hiểu về cách sống của phụ nữ Việt Nam và có vẻ nể chị chồng nên thường dành bế con. Buổi sáng hai vợ chồng cùng ngồi ăn sáng, uống cà phê với chị. Thành thường trầm ngâm ít nói, Mai thì tỏ ra rất thần tượng luôn ca ngợi kể về những tính tốt của chồng.

Mãi rồi cậu Thành cũng đã nói ra những tâm sự của mình đã chất chứa 18 năm (1975-1993): Thành bảo, “Sáng ngày 30.4.1975 Thành đã từ cơ quan chạy về nhà, tới đường Tô Hiến Thành nhưng không làm sao băng được đến khu Cư xá sĩ quan Chí Hòa để về nhà, dòng người đông nghẹt, các sĩ quan, binh lính rũ bỏ quần áo, giầy nhà binh vứt bừa bãi trên đường. Pháo kích từ sân bay Tân Sơn Nhất bắn vào rơi bất kỳ xuống nhà dân, xuống đường phố làm mọi người hoảng sợ, thế là cứ đu theo dòng người mà trôi dần ra bến cảng. Lên tầu với nỗi hoang mang sợ hãi. Lênh đênh trên biển nhiều ngày, sống vật vạ trên đảo để chờ ngày đến Mỹ…

“Chị hiểu không? Em muốn điên mà không điên được. Lúc ấy nói tiếng nhớ gia đình là không chính xác mà là hoảng sợ, không biết số phận mình ra sao, số phận gia đình mình ở nhà ra sao.?? Sự hoảng loạn theo em đến Mỹ, nhiều đêm nằm mơ em cũng không tưởng tượng được tình cảnh của mình lại như thế”. Tôi ngồi lặng im, 18 năm với nhiều biến cố xảy ra, chính bản thân tôi không có thời gian mà nghĩ đến những điều đau khổ này. Thỉnh thoảng điện thoại nói chuyện hỏi thăm nhau lúc nào cũng là tiếng cười nói vui vẻ động viên nhau.

Tôi nhìn cháu Michelle, nhìn cậu Thành, mợ Mai, chính tôi cũng thấy nhiều sự vất vả sau 1975, không chỉ xảy ra cho gia đình tôi mà còn nhiều gia đình khác, nhiều hoàn cảnh mà mãi sau này tôi vẫn tự hỏi mình đã đúng hay sai ở điểm nào?...

·       Trước ngày Đoàn về Việt Nam, chúng tôi có buổi gặp gỡ, trao đổi hàn huyên với một số bà con trong cộng đồng người Việt ở California. Mọi người ngồi ăn thịt nướng ngoài trời một sân vườn nhiều hoa hồng, sân rộng, đẹp và thoáng mát của mùa Thu Cali, ai cũng vui vẻ nói chuyện về những chính sách mở cửa và hội nhập của Việt Nam. Ông Đoàn Ngọc Bông thay mặt đoàn công tác cảm ơn sự giúp đỡ của các tổ chức thương mại góp phần thành công tốt đẹp của chuyến đi, Ông cũng thay mặt cho VCCI, tổ chức đại diện của Doanh nghiệp Việt Nam kêu gọi bà con Việt kiều về thăm quê hương và hợp tác đầu tư kinh doanh với Việt Nam. Trong lúc phấn khởi ông có nói: “chúng ta hãy khép lại quá khứ đau buồn của chiến tranh, hãy quên đi những mặc cảm của đôi bên để tiến tới sự tương đồng….”, Trong số anh em Việt kiều có vị đứng dậy trả lời ngay “cám ơn sự kêu gọi hợp tác của anh Bông, nhưng tôi không đồng ý 2 chữ “mặc cảm”, chúng tôi chẳng mặc cảm gì cả”. Tôi thấy anh Bông hơi lặng người một chút nhưng anh cười xòa ngay: “có lẽ chúng ta có một chút gì đó khác biệt về cách dùng từ. Tôi diễn đạt 2 từ này cho cả hai phía chúng ta. Thôi anh em mình nâng ly và chúc cho sự hợp tác khởi đầu của chúng ta thành công”. 

(còn tiếp)

 

Trích tự truyện TINH YÊU GIA ĐÌNH SỰ NGHIỆP

Xuất bản năm 2006 - Nhà xuất bản HỘI NHÀ VĂN

Nguyễn Thị Sơn

Sách Tái bản năm 2019 - Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM

 

HOA KỲ 1993 (2)...

 

HOA KỲ 1993 (3..)...

 

HOA KỲ 1993 (1)...

 

HOA KỲ 1993 (5)...

 

Hoa Kỳ 1993 (6)

 

HOA KỲ 1993 (7)

 

HOA KỲ 1993 (10)

 

HOA KỲ 1993 (12)...

 

HOA KỲ 1993 (13)

Lượt xem

3

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0