THỂ CHẾ
THỂ CHẾ
Thấy mọi người trích dẫn và bàn luận sôi nổi về phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". (Báo SGGP online ngày 20.10.2024).
Tôi là người có nhiều năm (trước đây) làm việc rất cụ thể, liên quan nhiều việc rất thực tế trong hệ thống quản lý kinh tế của nhà nước, đồng thời (từ năm 2006) là luật gia nghiên cứu về hệ thống luật pháp trong nước và quốc tế (Viện trưởng Viện IBLA),.. tôi xin được tham gia đóng góp vài ý kiến (vài ví dụ minh họa)
1. Về nguyên tắc, THỂ CHẾ là Hệ thống Luật pháp của một quốc gia bao gồm Hiến Pháp (luật gốc), các Bộ luật, Luật chuyên ngành do Quốc hội thông qua và ban hành, Nghị định của Thủ tướng chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ - Ngành, và các Văn bản quy phạm pháp luật của các địa phương, các cơ quan quản lý chuyên môn theo ngành dọc...
Nhưng lưu ý: dù là Luật, Bộ luật, Nghị định, Thông tư hay Văn bản quy phạm pháp luật cũng không được trái với các điều khoản của Hiến pháp.
2. Hiến pháp của Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ, có những nét đặc trưng:
* Trước thời kỳ Đổi mới 1986, Việt Nam có "NỀN KINH TẾ KẾ HOẠCH TẬP TRUNG", mọi nguồn lực do Nhà nước quản lý, quan hệ cung - cầu theo kế hoạch phân phối tập trung của nhà nước (tem phiếu). Thời ấy chỉ có hai thành phần kinh tế chủ lực là QUỐC DOANH (doanh nghiệp Nhà nước) và TẬP THỂ (Hợp tác xã và Tổ hợp sản xuất). Vì thế hệ thống luật pháp phải quản lý theo các quy định và tính đặc thù của kế hoạch tập trung. (Những người buôn bán chui dù chỉ vài kg gạo, vài ký thịt ở chợ đen, chợ trời, nếu gặp quản lý thị trường thì xem như có tội, thậm chí là tội hình sự)..., Quy định "ngăn sông cấm chợ", ngăn cấm việc lưu thông hàng hóa từ địa phương này sang địa phương khác (luật), Quy định cánh đồng chung, cánh đồng lớn của HTX Nông nghiệp (luật). Tình trạng xé rào, khoán ruộng (có thể vi phạm luật)...
* Hiến pháp 2013 quy định Việt Nam có NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN (điều 51, Hiến pháp 2013), với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo... vì thế có những ngành quan trọng, thiết yếu phục vụ cho người dân như Điện, Xăng dầu,... thường là độc quyền của nhà nước, thậm chí có những tập đoàn trực thuộc Bộ Ngành quản lý nhà nước. Mà quyền lực của Bộ Ngành là cơ quan tập hợp dữ liệu, xây dựng các dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư để trình Quốc Hội, Chính phủ thông qua và ban hành...
3. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
* Kể từ năm 1995, Việt Nam và Hoa kỳ thiếp lập các định chế bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
* Cũng từ năm 1995, Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Năm 2015 Việt Nam tham gia thị trường chung, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC - Asean Economic Community)
* Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO từ năm 2007
* Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam EVFTA có hiệu lực từ ngày 1.8.2020...
* ....
Để TƯƠNG THÍCH với các hiệp định song phương giữa Việt Nam và các quốc gia và đa phương với các Tổ chức quốc tế về Tự do Thương mại, Việt Nam đã điều chỉnh các điều khoản của các bộ luật, các luật và các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với các định chế tự do thương mại (FTA), trong đó có nhấn mạnh về sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, về tính công khai minh bạch, không phân biệt đối xử trong đấu thầu, kể cả mua sắm, đầu tư công...
4. Đáp ứng SỰ THAY ĐỔI.
* Thương mại điện tử (e - Commerce), Công nghệ thông tin (information technology) đã thay đổi các hành vi mua sắm, các hành vi tiêu dùng, tất cả các ngành kể cả báo chí, đào tạo buộc phải thay đổi, đều phải tiếp thị, mua bán online,.. Các tổ chức, cơ sở giáo dục đào tạo với hằng ngàn người cùng học, đã không cần xây trường to, không cần đất đai rộng lớn mà chỉ cần một căn phòng trang bị đầy đủ thiết bị nghe nhìn để thầy giáo dậy online.
* Robot hóa sản xuất công nghiệp: Năm 1992 tôi đến thăm một nhà máy sản xuất hàng thời trang ở Melbourne. Tất cả các khâu từ thiết kế, trải vải, ép chân không bàn vải cắt đều được lập trình trên máy vi tính. Cắt rất chính xác nên khâu may không cần phải gọt sửa. Các máy may cũng trang bị các công cụ khuôn mẫu, vi tính tự động, như thế may vừa nhanh vừa đẹp, cho năng suất rất cao.
Đến kho chứa nguyên liệu và hàng hóa, tất cả máy móc từ khâu sắp xếp hàng hóa trong kho, khuân vác, xuất nhập hàng hóa, robot đã thay thế toàn bộ sức lao động của con người.
* Robot hóa sản xuất nông nghiệp: Năm 2000, từ UC. Davis đến Sacramento, thủ phủ của bang California (USA), tôi thích thú ngắm những cánh đồng rộng bát ngát được máy ủi đất cầy những luống đất tơi đều, sau đó là máy trải bao nilon mỏng có đục lỗ với khoảng cách đều nhau. Máy gieo hạt đi theo, bỏ những hạt giống xuống các lỗ đất, máy bỏ phân, máy tưới nước đã phun nước vào các lỗ đã bỏ giống cây trồng. Trên cánh đồng rộng mênh mông rất ít người làm việc chỉ thấy máy móc với những cánh tay robot, nhịp nhàng chạy theo dây chuyền công việc. Sâu bướm không đến phá cây vì đất đã phủ bao nilon, cây sẽ mọc an toàn từ các lỗ gieo trồng.
Tôi tự suy nghĩ, trước đây Việt Nam đã từng có quy chế HTX nông nghiệp với cánh đồng lớn, nhưng quản trị không tốt nên để tình trang năng suất thấp, VN đã từng thiếu lương thực trầm trọng.
KHOÁN ruộng, KHOÁN sản phẩm đã là một nỗ lực không chỉ cứu đói cho người dân mà còn có dư lúa gạo để xuất khẩu..
Nhưng mô hình cánh đồng lớn của Mỹ thì rõ ràng cho năng suất rất cao...
Vấn đề này có phải là THỂ CHẾ về hệ thống pháp lý hay là KHOA HỌC QUẢN LÝ?
* Trí tuệ nhân tạo A.I.. Thật sự A.I. đã len lỏi vào nhiều lãnh vực giáo dục, tư vấn, bình luận văn học, kể cả thơ ca. Hỏi và đáp, tất nhiên cũng có nhiều bài viết của A.I đọc lên rất ngây ngô vì người hỏi đưa ra các câu hỏi không rõ ràng.
Từ những câu chuyện trên tôi tự hỏi.
* Liệu rằng Thể chế (hệ thống pháp lý và quản trị) có theo kịp với những sự thay đổi?
* Liệu rằng, sự tiến bộ của khoa học, của trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho con người mất việc làm không?
* Liệu rằng sẽ có những sản phẩm dư thừa chất thành núi do sự thay đổi của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo??. Con người lúc ấy sướng quá, sẽ chẳng phải làm gì vẫn được hưởng thụ. Lúc ấy liệu tư tưởng tài sản là của chung sẽ có thể trở thành hiện thực không?
SUY NGHĨ CỦA TÔI LÀ. Thể chế (hệ thống pháp luật và quản trị) cần điều chỉnh, thay đổi theo sự thay đổi của nhân loại, của sự phát triển, hoặc của từng khu vực, từng quốc gia.
Đấy là vấn đề căn bản, cốt lõi của sự thay đổi.
Trước mắt thấy chỗ nào nghẽn thì sửa ngay, nhưng về lâu dài, cần có một hệ thống pháp lý cơ bản để không thể tạo ra sự tắc nghẽn.
Nguyễn Thị Sơn
24.10.2024
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
0- 0
- 0
- 0
- 0
- 0
- 0