SỐNG CHẾT CÓ SỐ

 

SỐNG CHẾT CÓ SỐ

 

Trước khi di cư vào Nam năm 1954, mẹ tôi nói với ông bà ngoại tôi là chỉ vào Nam 2 năm rồi về. Nhưng ngày tháng cứ trôi qua, biền biệt, chẳng trở về… Mẹ tôi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ quê hương, nên bà hay kể cho tôi nghe những câu chuyện ngày xưa ở làng, ngôi nhà ngói 3 gian cũ kỹ, sân phơi thóc rộng dưới đêm trăng, những câu hát quan họ…


Bà kể về thời kỳ kháng chiến trống pháp (1945 – 1954), về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, trai gái trong làng đều tham gia du kích. Quê nội tôi ở Xã Việt Hùng, Huyện Quế Võ, còn quê ngoại thì ở Làng Đại Bái, Xã Đại Thành, Huyện Gia Lương (làng nổi tiếng về đúc lư hương đồng).

Hai huyện cách nhau con sông Đuống (con sông là chi lưu của sông Hồng tách từ xã Ngọc Thụy, Huyện Gia Lâm, chảy ngược về phía Đông, qua các huyện Thuận Thành, Gia Lương - Bắc Ninh rồi đổ về Sông Thái Bình). Điểm đặc biệt của sông Đuống là nó chia Tỉnh Bắc Ninh làm 2 phần Nam và Bắc (hữu ngạn và tả ngạn)

Bố mẹ tôi cùng tham gia kháng chiến ngày ấy. Những năm kháng chiến khốc liệt, một số gia đình và thanh niên bên quê nội tôi có lúc phải tản cư sang ở nhờ bên các gia đình quê ngoại. Bố mẹ tôi đã gặp nhau, rồi yêu nhau, nên vợ nên chồng.


Chiến tranh du kich, chiến tranh nhân dân ngày ấy nổi lên càng lúc càng nhiều và dồn dập. Các cấp lãnh đạo địa phương trong Tỉnh Bắc Ninh quyết tâm chống Pháp, chỉ đạo bình định và hành quân lấn chiếm, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta…


Trong một lần du kích tấn công vào đồn của Pháp (năm 1951), nửa đêm trận đánh căng thẳng, tiếng súng và đạn pháo nổ dòn. Quân Pháp phản công và tấn công vào làng, lùng sục, bắt bớ làm dân chúng trong làng sợ hãi bỏ chạy ra khỏi nhà, nấp xuống các đường đê, các đường mương trên ruộng.


Lúc ấy tôi chưa tròn một tuổi, mẹ tôi vội vã bế xốc tôi trốn vào một kho lúa của làng, mẹ tôi kể kho lúa rất nhiều muỗi nhưng tôi không hề khóc. Bất chợt có một người lia đèn pin vào kho lúa, phát hiện ra mẹ tôi bèn hỏi to “ai đó, đi ra”. Mẹ tôi bảo “có bắn cũng đành chịu, đau lắm không đi được…” chú ta nhìn thấy tôi, hai mắt mở thao láo nhìn chú mà không khóc, nên quát mẹ tôi “ngồi yên đó” rồi bỏ đi ra. Mẹ tôi bảo trong đêm tối không nhìn rõ mặt và quần áo nên không biết người của bên nào, du kích hay lính làm cho Pháp (chỉ nghe thấy tiếng nói, cùng là người Bắc Ninh).
Đúng là sống chết có số…

 

Mỗi lần nhớ về mẹ, tôi hay làm thơ về bà với từng kỷ niệm của bà:

" ...

Mắt bà sáng tỏ như cười

Nhắc nhớ kỷ niệm một thời cùng ông

Một thời nỗ lực chí công

Một thời tạo dựng vững trông cơ đồ

Mùa xuân hoa nở ven hồ

Cành mai vàng thắm điểm tô nhụy hồng

Ngọc Lan ngát tỏa trắng bông

Chùm hoa cau đỏ thơm nồng gió đưa

Bà ngồi kể chuyện ngày xưa

Bên dòng sông Đuống còn thưa xóm làng

Trai thanh gái tú thường sang

Hát câu quan họ nhịp nhàng trao duyên

 

Tuổi già năm ấy không nhiều

Bà đi mãi mãi một chiều đầu xuân..."

 

 

Nguyễn Thị Sơn
10/10/2019
Viết cho TẬP TRUYỆN NGẮN – KÝ ỨC.

Lượt xem

802

Bày tỏ cảm xúc

15
  • 1
  • 13
  • 0
  • 1
  • 0
  • 0