NGÀY CỦA CHA
NGÀY CỦA CHA
Bố tôi mất năm 2001, đã 23 năm qua tôi không còn được nghe giọng nói trầm và những câu ví von trong dân gian của ông mỗi khi ông can ngăn tôi làm một việc gì...
Tôi nhớ khi tôi còn bé, tôi có mái tóc tơ vàng óng rất mỏng, mẹ tôi cho tôi mặc những chiếc áo đầm thêu mua ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, di cư vào Nam (1954) mấy năm vẫn còn mặc, ngắn cũn cỡn nhưng vẫn mặc vừa vì tôi phát triển theo chiều cao, dáng gầy nhom. Bố tôi thỉnh thoảng cho tôi và em Đại, em Thành đi chơi trên chiếc xe Vespa, ông cười rất tươi khi những người quen biết của ông khen tôi xinh giống búp bê, thế là bố tôi cho tôi đi uốn tóc quăn xù như con búp bê tóc vàng của tôi.
Tôi lớn lên trong một gia đình sản xuất hàng thời trang của mẹ tôi, tất cả công việc sản xuất là do mẹ tôi làm, bố tôi vẫn đi làm việc cho nhà nước, nhưng ông vẫn định hướng công việc và giúp mẹ tôi mở rộng thị trường sang các tỉnh khác ngoài khu vực Saigon, Chợ lớn. Những câu nói về kinh doanh, thỉnh thoảng tôi hay nghe bố nói với mẹ "đồng tiền ở ngoài đường, ai trông thấy thì nhặt, ai không thấy thì bước qua" ý muốn nói phải biết nắm bắt cơ hội trong kinh doanh"
Khi làm ăn kinh doanh khấm khá, có tiền tích lũy, đồng ra đồng vào. Mấy bà bạn mẹ tôi đến chơi hỏi vay tiền và hùn vốn làm ăn. Mẹ tôi nhẹ dạ cho họ vay rồi đòi không được, mất trắng. Bà vẫn chưa rút kinh nghiệm, máu làm ăn muốn vươn xa, thêm nhiều ngành nghề khác, mua xe lam, xe taxi cho thuê, tham gia nghiệp đoàn xe khách rất phức tạp. Bố tôi bực mình bảo "đừng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai ra đào", "bàn tay không che kín được mặt trời" mỗi người mỗi nghề, hãy tập trung vào chuyên môn của mình thì tốt hơn, ông trời không bắt ai quá khốn khó, cũng không dồn lộc cho một người.
Khi chị em chúng tôi lớn lên, được học hành tử tế, rồi khởi nghiệp kinh doanh, người nào cũng theo nghề của mẹ, chỉ có cậu Đại theo ngành sư phạm ra trường làm thầy giáo. Tôi là chị cả, trụ cột của doanh nghiệp gia đình, cùng bố mẹ tôi phát triển kinh doanh.
Năm 1976 cải tạo công thương, Thương hiệu thời trang Đại Thành trở thành HTX bậc cao Đại Thành.
Năm 1984 cải tạo thương nghiệp dịch vụ. Lãnh đạo Quận 10 đưa tôi về làm Phó Giám đốc Công ty Dịch Vụ Quận 10. Bố tôi cản không cho tôi đi, ông chỉ nói câu "nằm đất không sợ té con ạ" nhưng tôi cãi lời ông vẫn nhất quyết phấn đấu vào biên chế Nhà nước và sẵn sàng phụng sự theo sự phân công của Nhà nước.
Năm 1987, sau những thành công nhất định, tôi được bổ nhiệm là Giám đốc xí nghiệp dệt may Quận 10 rồi Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Dệt Da May Legamex. Công ty phát triển rất nhanh, mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu, Nhật Bản, các nước Tây Âu và Mỹ,..
Mỗi lần tôi về thăm nhà, bố tôi chỉ nói "con phải từ từ, đừng nên dựa vào sức trẻ, ngựa non háu đá". Lúc tôi nhận lời làm thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp của Trung ương, ông bảo "đúng là con điếc không sợ súng"..."người ta không chết vì đi sông đi biển, mà đôi khi chết vì bước hụt ở lỗ chân trâu trên ruộng cạn"
Sự nghiệp kinh doanh của tôi những năm 1994, 1995 có nhiều nỗi thăng trầm..., Tôi bắt đầu nghĩ về những câu nói của bố tôi, "thất bại là một bước hụt, cho ta có kinh nghiệm bước dài hơn".
Năm 1998 tôi được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý doanh nghiệp CBAM. Bố tôi có đến thăm 1 lần. Ông bảo " Giáo dục, đào tạo là nền tảng của sự thịnh vượng" và hỏi tôi cần gì về tài chính ông sẽ nói mẹ tôi giúp đỡ.
* Bố tôi mất năm 2001, ông ra đi nhẹ nhàng qua một cơn đột quỵ. Tôi tiếc rằng ông đã ra đi sớm quá, ông không được thấy những thành quả của tôi sau này trong ngành luật học và giáo dục, sự trưởng thành của các con tôi trong lãnh vực kinh doanh ...
Tưởng nhớ ông, noi gương ông, tôi đã quyết tâm thành lập Trường Trung học Duy Tân, cùng với cậu Đại em tôi, con trai trưởng của ông, cùng quản lý xây dựng trường để đào tạo con em học sinh hiếu học. Thành lập Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế IBLA thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam để giúp các doanh nghiệp phát triển sự nghiệp kinh doanh bền vững "đừng chết vì thiếu hiểu biết luật pháp"...
* Bố ơi. Khoa học quản trị kinh doanh có nhiều lý luận và nhiều điển cứu (case studies) thực tiễn. Nhưng những câu nói dân gian của bố vẫn là bài học cần thiết cho con và các cháu, những hậu duệ đáng yêu của ông.
Nguyễn Thị Sơn
16.6.2024
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
9- 0
- 9
- 0
- 0
- 0
- 0