HUẾ & THỜI THƠ ẤU
HUẾ & THỜI THƠ ẤU
Cuối năm 1954, sau khi nhận được thư của mẹ tôi nói là nếu bố tôi không vào Nam thì mẹ con tôi sẽ chết vì cảnh màn trời chiếu đất của người di cư, bố tôi đã kịp xuống chuyến tầu cuối, cùng những người di cư cuối cùng vào Nam.
Gặp được mẹ con tôi là bố vội vã đưa mẹ con tôi đi Huế. Hình như bố đã xin được công lệnh đi Huế làm việc.
Năm ấy tôi 4 tuổi nhưng những thước phim ký ức thời thơ ấu thỉnh thoảng vẫn quay về rất rõ. Lần này có thêm bố nên mẹ khỏe hơn, nhanh nhẹn hơn. Tôi nắm tay em Đại, mẹ bế em Thành, bà u già xách va li, chúng tôi líu ríu đi theo u già bước lên chiếc xe chở khách liên tỉnh. Xe đi từ Saigon ra Huế đường rất sóc nhưng mọi người mệt quá ngủ gà ngủ gật, thỉnh thoảng xe vào các hầm chui tối quá em Thành khóc ré lên ầm ĩ. Mọi người lại choàng tỉnh.
Ra đến Huế, những ngày đầu tôi nghe bố nói chuyện với mẹ, chúng tôi sẽ ở tạm ở khu nhà đèn (được xây theo kiến trúc của Pháp) một thời gian chờ bố tôi sắp xếp chỗ ở ổn định.
Việc đầu tiên bố quan tâm là tìm trường cho tôi đi học. Tôi nhớ là một buổi sáng, mẹ tôi mặc cho tôi một bộ đầm mầu hồng rồi cùng với bà u già dắt tôi đi bộ qua cầu Trường Tiền, đưa tôi vào học ở trường mẫu giáo của nhà thờ cổ có những bóng cây rất cao. Ngày đầu tiên đi học, tôi rất vui vẻ nhẩy chân sáo đến trường, nhưng được một lúc con bé nhà hàng xóm đi học cùng nhớ mẹ khóc rất to, thế là tôi khóc theo. Hai đứa nhất định ra cửa nhà thờ ngồi khóc, các sơ càng dỗ, càng nói thì chúng tôi càng khóc vì giọng của sơ lạ quá không giống giọng của mẹ tôi hay giọng của u già “con ni, mi mần răng rứa, răng mi khóc, nhà mi ở mô, sơ đưa mi về hỉ…” chúng tôi đã không hiểu mà còn sợ nữa, nín rồi thút thít, rồi lại khóc toáng, sơ cũng sợ…
Vài ngày sau bắt đầu quen giọng, bắt đầu hiểu sơ nói gì, chúng tôi bắt đầu ngoan hơn, chiều chiều ra cổng nhà thờ ngồi chờ u già đến đón, lại tíu tít chân sáo đi bộ qua cầu, ném những hình xếp xuống sông, dòng sông ánh bạc lăn tăn mà suốt những năm tháng sau này tôi vẫn không quên được.
Mỗi lần nhắc đến lũ lụt miền Trung, tôi không quên được trận lụt năm đó. Tôi nhớ là chúng tôi được ở tầng 1 của nhà đèn. Buổi sáng nghe tiếng người lớn nói to, như quát tháo, tôi giật mình thức dậy, bà u già không cho tôi mở cửa phòng. Nhìn ra cửa số ngó xuống đường, nước chảy cuồn cuộn đục ngầu, tràn cả đường đi, tràn cả mặt sông. Soong nồi, thau chậu trôi tự do ra đường. Bố tôi và các chú hét ầm ĩ đuổi những người phụ nữ vào nhà “không được ra đường, nước chảy xiết lắm, coi chừng trôi xuống sông”. Mưa càng lúc càng to, âm thanh nghe xối xả, nước chảy cùng với rác, cây cối gẫy đổ bị cuốn trôi không phân biệt đâu là đường đi, đâu là sông Hương, đâu là hố ga, chỉ thấy lô nhô các cột đèn…
Nhiều lúc sau này tôi tự hỏi, năm ấy chỉ mới hơn 4 tuổi mà cặp mắt bé bỏng và trí não non nớt của tôi đã tiếp nhận những hình ảnh và âm thanh kinh hoàng của cuộc sống như thế, mà mãi sau này tôi cũng không biết đó là khổ. Thỉnh thoảng bố cho tôi đi xem văn nghệ. Bố hát rất hay bài “Tình đồng chí” và bài “Làng tôi” giọng bố trầm, nhưng tôi không biết đó là giọng hát buồn mà chỉ biết là thích nghe bố hát.
Rồi một hôm bố đi về nói với mẹ đã có chỗ ở ổn định ở Hương Trà, nói mẹ tôi chuẩn bị hành lý lên đường. Tôi lại líu ríu đi theo, không thắc mắc việc phải xa các sơ, việc không học ở trường mẫu giáo. Em Đại thì thắc mắc đi đâu nữa hả bố.
Đến Hương Trà một buổi chiều tối xẫm, một ngôi nhà tranh cũ, có sân vườn rộng. Em Đại không chịu vào nhà, chê tối quá so với ở khu nhà đèn theo kiến trúc Pháp sơn trắng. Bà u già lần đầu tiên lầm bầm “đang ở nhà cao cửa rộng, giờ vào đây khổ thế này, biết thế chẳng vào Nam…”
Mẹ tôi là người hiểu biết, quen chịu đựng nên không nói tiếng nào.
Rồi mọi sinh hoạt cũng dần quen. Bố tôi hằng ngày đi làm, thỉnh thoảng Chủ nhật ông dẫn tôi vào trong thôn thăm mấy vườn hồng, chào hỏi các cụ già và các o xinh đẹp. Các o hay hái cho tôi những bông hoa hồng trắng nói đem về chưng với đường phèn uống trị ho.
Em Đại hay rủ tôi ra đường tàu gần đường cái hái rau má và nhổ cỏ ấu. Tôi hiền lành nhưng thương em sợ em đi lạc nên cũng chiều theo.
Mẹ tôi ở Bắc Ninh là cô gái tháo vát, từng tham gia đội dân quân du kích của Việt Minh. Khi lấy chồng thì lên Hà Nội mở tiệm bán vải lụa tơ tằm và kinh doanh cung cấp nguyên liệu đồng cho Làng đồng Đại Bái. Vì thế mà bà chẳng chịu ngồi yên một chỗ. Bà mở cửa hàng bán gạo và mở quán xôi miến gà, khách hàng cũng đông.
Năm 1955 bà sinh em Hương . Bà bảo không biết là đã có thai em Hương từ khi còn ở Hà Nội nên lên tầu mới bị nghén, bị say sóng. Bà bảo nếu biết thì chắc chắn không di cư vào Nam. Bố me đặt tên em là Hương vì đặt theo tên Sông Hương.
Em Hương có đôi mắt rất tròn và to. Em Đại thích quá lúc nào cũng đến gần khen em đẹp, có lần sơ ý làm đổ cái đèn dầu nhỏ suýt làm phỏng tay em.
Bà u già thì lúc nào cũng nói chỉ thương em Thành vì nhờ có em Thành bà mới đi theo cậu mợ vào Nam. Bây giờ có thêm em Hương, bà chăm sóc từ lúc em mới sinh nên thương như con, em Đại thì hay làm cho bà lo sợ vì sự an toàn của các em.
Cuối năm 1956, do tính chất công việc, bố tôi xin chuyển vào Saigon. Mẹ con tôi lại dắt díu nhau vào Saigon
Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ Huế, nhớ những ngày đầu mẹ dắt đi mẫu giáo, nhớ cầu Trường Tiền rất dài với mặt nước sông Hương lăn tăn ánh bạc, nhớ những bà sơ dậy tôi học, dậy tôi hiểu tiếng Huế, tôi đã làm bài thơ hoài niệm:
NGÀY ĐẦU ĐI HỌC
Mẹ dắt, tung tăng em đến trường
Ngày đầu đi học nắng trong sương
Tràng Tiền tấp nập người sang bến
Chim hót reo ca gió thoảng vương
Cô giáo ôm em cười khóe mắt
Lời cô êm dịu nét yêu thương
Nhưng mà nhớ mẹ em càng khóc...
Sóng nước câu hò nhớ sông Hương.
----------------
Nguyễn Thị Sơn
12.7.2021
Viết cho TẬP TRUYỆN NGẮN – KÝ ỨC
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
6- 0
- 6
- 0
- 0
- 0
- 0