CỨ VIẾT, CỨ VIẾT TRỜI XANH THÊM ...

 

Cứ viết, cứ viết trời xanh thêm...

27-11-2023 11:09

 

THỜI BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

Ấn tượng “Thơ và cảnh sắc quanh ta”, thơ của tác giả Nguyễn Thị Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2023. “Cảm nghĩ thi nhân không có tuổi/ Nhân xưng cảnh sắc chỉ là thơ/ Dù cho cuộc sống đôi khi khó/ Những muốn thêu thùa vạn giấc mơ” (Nguyễn Thị Sơn - Tự bạch)

 

Doanh nhân, nhà giáo, luật gia Nguyễn Thị Sơn  

Doanh nhân, nhà giáo, luật gia Nguyễn Thị Sơn, quê Bắc Ninh nhưng sống, lập nghiệp và thành danh tại TP Hồ Chí Minh. Bà được biết đến là người sáng lập Tập đoàn doanh nghiệp Sơn Kim Group, bà đã vượt qua những khó khăn khi chồng mất sớm vì bạo bệnh để nuôi 5 người con trưởng thành và xây dựng nền móng cho Sơn Kim Group ngày nay.

 

bà NGUYỄN THỊ SƠN

Bà Nguyễn Thị Sơn – Nhà sáng lập Sơn Kim Group

 

Nhắc đến Sơn Kim Group không thể không nhắc đến nhân vật chính là bà Nguyễn Thị Sơn, bà được biết đến là một phụ nữ can trường gắn liền tên tuổi với Công ty Xuất nhập khẩu Dệt Da May Legamex lừng lẫy một thời. Đời kinh doanh của bà nhiều thăng trầm, gắn liền với mỗi khúc quanh lịch sử.

Năm 2006, bà Nguyễn Thị Sơn đã viết và phát hành cuốn sách tự truyện “Tình yêu – Gia đình – Sự nghiệp” nói về cuộc đời và sự nghiệp của bà, có những cơ hội thăng tiến nhưng cũng có nhiều rủi ro trong chính sách Nhà nước ở thời kỳ kinh tế Việt Nam mở cửa, giao lưu mở rộng thị trường với bên ngoài. Từ đó bà khẳng định bà đã “bạch hóa” sự việc, ai cần tham khảo có thể mua sách online.

Bà không muốn nhắc lại những chuyện cũ, càng nhiều tuổi bà càng trầm tính và càng hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. Bà nói thương trường luôn tiềm ẩn những rủi ro, nhưng không phải không có cơ hội.

Năm 1997, bà chuyển công tác về Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI và là Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, trở thành nhà giáo, luật gia, tư vấn cho doanh nghiệp, đào tạo doanh nhân.

Năm 2007, bà là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), bền bỉ tham gia phản biện pháp luật, đóng góp ý kiến vào quy trình lập pháp của nhiều dự thảo luật.

Bà Nguyễn Thị Sơn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học Phổ thông Tư thục Duy Tân. Theo mô hình tư thục, nhưng trường hàng năm đều dành 10 suất học bổng nội trú cho học sinh đến từ những tỉnh miền núi phía Bắc theo sự giới thiệu của Quỹ học bổng Vừ A Dính.

An nhiên tuổi xưa nay hiếm, thơ đến với bà như một lẽ tự nhiên, giúp bà thanh lọc tâm hồn và tìm được những niềm vui nho nhỏ mỗi ngày với những quan sát, cảm nhận về cuộc sống, con người và thiên nhiên quanh mình.

Thời báo Văn học Nghệ thuật trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng về tập thơ thứ ba của bà mới xuất bản: “Thơ & Cảnh sắc quanh ta”.

 

 

Thơ nối gọi xanh

 

Một ngày cuối thu 2023, tôi nhận được quà sách Thơ và cảnh sắc quanh ta của nhà giáo Nguyễn Thị Sơn từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tập thơ thứ ba tiếp sau Hạnh phúc quanh ta, Thơ và cuộc sống quanh ta, chỉ trong vòng ba năm (2021- 2023) của một “người đàn bà viết”, tôi mạnh bạo gọi chị như thế (đại từ chị tôi dùng với ngụ ý là thời gian dường như đi qua và bất lực với Người thơ).

Các nhà lý luận phê bình hay phân chia ra “thơ hướng ngoại” và “thơ hướng nội”. Nhưng bản chất của nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng cho thấy không có lằn ranh (biên giới) rõ rệt, nhất thành bất biến như dưới thanh thiên bạch nhật đâu là “hướng nội” hay “hướng ngoại”. Quý vị thử trắc nghiệm sau khi thưởng thức kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Nga thế kỷ 19 Levitan, sẽ không phân vân. Trong kho báu âm nhạc Trịnh Công Sơn thiên nhiên hay lòng người đâu có rạch ròi, như “Tuổi đá buồn”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”.

 

Không ngẫu nhiên công chúng nghệ thuật gọi nhạc sỹ lừng danh là “người tình của thiên nhiên”. Tôi mượn câu thơ “Lại đi, lại đi trời xanh thêm” trong thi phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (được đưa vào SGK Ngữ văn 9) của nhà thơ Phạm Tiến Duật để đặt cho nhan đề bài viết của mình, như một biến tấu chữ.

 

bìa sách thơ

“Thơ và cảnh sắc quanh ta”, thơ của tác giả Nguyễn Thị Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2023.

 

Trên tổng số 203 bài trong tập thơ “Thơ và cảnh sắc quanh ta” (có thể coi như Tuyển thơ Nguyễn Thị Sơn), có đến 90 bài thơ viết về thiên nhiên. Tôi gọi đó là cách nữ sỹ đã nối gọi thơ với thiên nhiên, đã mê hoặc thiên nhiên về với thơ. Có người sẽ lý sự rằng, con số ngoài sự “lạnh lùng” chẳng nói lên điều gì hệ trọng trong nghệ thuật - một lĩnh vực tuân thủ nghiêm ngặt quy luật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tất nhiên. Nhưng tôi nghĩ, có những con số “biết nói”.

Con số 21/38 (thứ hạng của đoàn Thể thao Việt Nam) trong Bảng tổng sắp Á VẬN HỘI 2023, tổ chức ở Trung Quốc vừa qua, chắc không lạnh lùng, trái lại nó phát lộ thực trạng thể thao không mấy lạc quan của nước nhà. Vậy nên khi tôi sử dụng phương pháp thống kê trong phê bình văn học là có cái lý, cái lẽ của nó. Người sáng tác có thể nương tựa (ỷ lại) vào trực giác, linh cảm. Nhà phê bình làm khoa học (dĩ nhiên đứng vững trên hai chân khoa học và nghệ thuật) nên phải “nói có sách mách có chứng”.

 

Tôi thích những “chùm” thơ thiên nhiên của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn: về cảnh sắc chung (Bức họa thiên nhiên, Bức tranh gánh lúa về, Bức tranh quê, Cảnh sắc, Cảnh sắc quanh ta, Bên kia hàng rào, Chào tháng năm); về buổi chiều (Chiều buồn, Chiều đông 1, Chiều đông 2, Chiều mưa, Chiều mưa bên phố, Chiều nhẹ rơi, Chiều quê, Chiều xuân, Hoài niệm chiều mưa, Vui cảnh chiều); về buổi đêm (Đêm Nguyên tiêu, Đêm Thảo Điền, Đêm trăng mưa); về nắng (Nắng nhẹ, Nắng ơi, Nắng sáng, Nắng xuân, Nắng về).

Có thể coi là bức “tứ bình thiên nhiên”. Thiên nhiên, như một “liều thuốc giảm đau tinh thần” cho con người trong thời đại kỹ trị, thị trường, không gian mạng, kinh tế số... bởi trong bối cảnh đó con người dễ bị tổn thương, dễ bị mai một phẩm chất hồn nhiên, vô tư, trong sáng. Đọc những câu thơ sau làm sao lòng người không tăng trưởng sự thư thái, nguyên khôi: “Giọt nắng trên cao nhẹ thoảng rơi/ Hàng cây thích quá phủ vàng tơi/ Âm thanh phố thị theo dòng chảy/ Tĩnh lặng nhà ai gọi nắng ơi” (Nắng ơi).

 

Đặc điểm tâm thế của con người thời hiện đại là bất an, bất ổn trong một thế giới nhiều biến thiên khốc liệt không có tiền lệ. Vì thế, nếu con người thông minh và nhân ái sẽ biết cách trở về với bà mẹ tự nhiên vì “con người là một phần tất yếu của tự nhiên”, hơn thế “con người là tự nhiên”. Nếu con người cứ “vô tư” tấn công tự nhiên thì đến một ngày nhận “quả đắng” như một quy luật “nhân - quả”: thiên tai thì ít nhân tai thì nhiều (?!).

Vì thế, tôi nghĩ, thơ của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn nằm trong dòng chảy “văn học xanh”, các nhà lý luận theo hàn lâm viện thì gọi là “phạm trù sinh thái”.

 

Thơ và tinh thần vô ưu 

 

Đọc thơ nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tập mới, tôi thấy chị đã gần đạt tới “giác ngộ” khi đã đủ bản lĩnh để tự trào, tạo nên giọng “humour” (hài hước), có vẻ nhẹ nhõm như không: “Thích quá người ơi được tấm hình/ Bảy ba xuân sắc vẫn còn tinh/ Khuôn trăng đầy đặn tròn bóng nguyệt/ Mắt biếc nheo nheo khuyết hữu tình/ Đau đáu tâm can thương bọn trẻ/ Thong dong định tuệ hướng tâm linh/ Nhân sinh muôn bước như trời định/ Chẳng cố làm chi nấc hiển vinh” (Bà giáo tự trào). Cổ nhân răn: “Ngũ thập tri thiên mệnh”. Chí lý. Lẽ nào chị đã bảy ba lại không thấm nhuần triết lý nhân sinh ở đời. Ai cũng biết nhưng không phải ai cũng nói (viết) ra được bằng thơ như thế. Cứ nhẹ thênh!

 

Người ta nói, nhà văn là người có khả năng làm “lây” cái vui, cái buồn của chính mình sang người khác một cách tinh tế, bền lâu chính là vậy. Nghĩa của hai chữ “trữ tình” cùng nương theo đó mà phát lộ. Người thông minh có năng lực hài hước. Tất nhiên. Nhưng không phải bất luận ai biết hài hước cũng là người thông minh. Nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn quả là người thông minh và hài hước. Nhưng hài hước đến độ như trong Bà lão làm duyên, Lại ốm rồi, Lan man tuổi già, Tâm trạng người già, Người già, Lười, Không vui, Chữ ngang... thì đã đến một “phân khúc” khác, hay nói như người trẻ là “trình” khác.

Tôi thấy lấp loáng tiếng cười trong veo sau mỗi câu chữ trong thơ Nguyễn Thị Sơn. Quý vị “Tin thì tin không tin thì thôi”. Người này sẽ thanh xuân bền vững, vì “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vì “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”.

 

Hạnh phúc là biết đủ

 

Con người thời nay có vẻ như luôn cảm thấy mình khổ nạn, bất hạnh, lép vế vì nỗi hay so sánh, vì nỗi tuyệt đối hóa, vì nỗi lực bất tòng tâm, vì nỗi không biết kiềm chế dục vọng, nên không thấu hiểu được quy luật nhân sinh “hạnh phúc là biết đủ”. Nhưng cũng là lẽ thường khi phái kinh qua “tam thập nhi lập”, “tứ thập nhi bất hoặc”, rồi mới đến “ngũ thập tri thiên mệnh”, “lục thập nhi nhĩ thuận” mới đủ hiểu thấm lẽ đời. Ngày xưa thì “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thời hiện đại thì cái sự “cổ lai hy” được nâng cấp lên cao hơn nhiều. Một nhà giáo làm thơ, tôi nghĩ, chị  thấu thị những cái “ngưỡng” của sự tồn tại có tính chất hiện sinh; lại nữa, tôi hình dung nữ sỹ là người theo triết lý “lão thực”, cũng có thể nói đầy đặn tinh thần nghiệm sinh.

 

Hạnh phúc là biết đủ, nghĩa là cách biết dừng: “Qua khung cửa sổ thấy bình an/ Một khoảng trời mây gió thổi tràn/ Nâu đỏ cây cao vươn thẳng tắp/ Xanh tươi tàn lá nhẹ nhàng lan/ Loanh quanh chi nữa đường thêm tỏ/ Bước chậm dừng thôi bóng thế gian/ Kinh tế bao thời theo vận nước/ Hoành tung một thuở ngẫm gian nan” (Dừng thôi). Đọc bài thơ này tôi lại nhớ đến nhạc phẩm “Một cõi đi về” của nhạc sỹ tài danh Trịnh Công Sơn với ca từ thấm gan ruột “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

 

Tôi cũng thích chùm thơ về hạnh phúc của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn: “Dừng thôi”, “Hạnh phúc của bà”, “Hạnh phúc quanh tôi”, “Hạnh phúc tuổi già”, “Thiền”... Lý thuyết về hạnh phúc thì ai ai cũng tỏ tưởng. Nhưng thực hành về hạnh phúc thì không phải số nhiều. Với nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn thì liệu pháp tinh thần khúc xạ trong phép thiền: “Buổi sáng thư phòng nhẹ thoảng hương/ Trầm bay  thơm ngát cuộn vô thường/ Đèn ngân sáng tỏ không gian ấm/ Thảm trúc hoa văn lạnh tỏa sương/ Mắt nhắm tay buông tâm lắng đọng/ Mày châu thư thái nhả tơ vương/ Nhẹ nhàng hít thở sâu lồng ngực/ Buông bỏ hồng trần bay bốn phương” (Thiền). Vậy nên, hạnh phúc trong tâm cảm nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn giản dị: đạt tới vô thường, vô ưu, vô vi (tức là biết buông bỏ tham sân si), sẽ đạt tới thăng hoa khi quyết từ bỏ “hội chợ phù hoa” (hồng trần).

 

Cuộc sống ơi ta mến yêu người!

 

Khi đang viết về thơ nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn bỗng từ bên hàng xóm vang lên giai điệu quen thuộc Cuộc sống ơi ta mến yêu người - một tình khúc Nga nổi tiếng một thời gợi nhớ xứ sở của Mùa thu vàng, Bạch dương và Tuyết trắng, hơn thế là tâm hồn Nga, tính cách Nga đôn hậu, giản dị, trong sáng tuyệt vời. Đúng như thi sỹ Xuân Diệu đã viết: “Không gì gợi nhớ dĩ vãng bằng một giai điệu hay mùi hương quen thuộc”.

 

Tinh thần lạc quan tạo nên tình yêu vừa cao, vừa sâu rộng trong thơ nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn - yêu tạo vật, yêu đời, yêu người, yêu nghề. Nữ sỹ thấy mình hạnh phúc không vì một cái gì đó quá huyễn hoặc, bởi: “Sáng tỏ nhìn trời mây tạnh quang/ Tiếng ve hờ hững gió bay sang/ Đàn chim se sẻ nghiêng trong nắng/ Chú bướm lượn bay cánh đốm vàng/ Chợt nhận vui ghê nhà có khách/ Thoạt nghe rạng rỡ tiếng cười vang/ Nhà thơ, nhà giáo, thêm nhà báo/ Hạnh phúc quanh ta thật nhẹ nhàng” (Hạnh phúc quanh tôi). Hóa ra, hạnh phúc thật gần gũi, giản dị, vô tư, trong sáng nào cần chi đao to búa lớn, hiển hiện trong thơ nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn./.

 

Bùi Việt Thắng

 

Lượt xem

35

Bày tỏ cảm xúc

0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

Thông tin khác

Giáo dục & Gia đình SUNG RỒI RỤNG

Giáo dục & Gia đình

SUNG RỒI RỤNG

18

10-2024

Chi tiết
Giáo dục & Gia đình QUỸ HỌC BỔNG VỪ A DÍNH

Giáo dục & Gia đình

QUỸ HỌC BỔNG VỪ A DÍNH

12

10-2024

Chi tiết
Giáo dục & Gia đình ĐÃ LÀ THUYỀN PHẢI RA KHƠI

Giáo dục & Gia đình

ĐÃ LÀ THUYỀN PHẢI RA KHƠI

11

07-2024

Chi tiết
Giáo dục & Gia đình CÓ CON GÁI CŨNG SƯỚNG

Giáo dục & Gia đình

CÓ CON GÁI CŨNG SƯỚNG

09

07-2024

Chi tiết
Giáo dục & Gia đình NIỀM VUI FACEBOOK

Giáo dục & Gia đình

NIỀM VUI FACEBOOK

19

06-2024

Chi tiết