NGHĨ ĐƠN GIẢN THÔI
NGHĨ ĐƠN GIẢN THÔI
Các cụ hay nói câu PHƯỚC ĐỨC TẠI MẪU, ý muốn nói cha mẹ ăn ở, sống cư xử nhân hậu với mọi người thì con cái trưởng thành được nhờ phước đức của ông bà.
Mình cũng luôn nghĩ như vậy. Nghĩ về ký ức với những điều tốt đẹp xảy ra hằng ngày, hoài niệm theo năm tháng rất tự nhiên, như một sự bình thường trong cuộc sống.
Bây giờ về già, con cháu đều phương trưởng, bài học nói đi nói lại nhiều lần cho con cháu là gia đình mình có phước phải biết giữ phước các con ạ, cuộc sống có may mắn, có nhận được phải biết sẻ chia, phải biết làm việc tốt, minh bạch rõ ràng và phải biết phân biệt đâu là thật, đâu là giả, phải biết tránh xa sự tham lam, hào nháng không cần thiết.
Nhiều người trẻ hay hỏi thăm bà lão, đồng tiền đang mất giá, nếu có chút tiền dành dụm được thì nên đầu tư vào đâu hả bác?
Câu trả lời của bà lão là:
1. Các cháu được đào tạo nhiều hơn ngày xưa thời của các bác, các ông bà rất nhiều. Các cháu có nhiều cơ hội với thị trường mới, với công nghệ mới... Bên cạnh sự cạnh tranh với các tập đoàn lớn mạnh, thương hiệu có tiếng tăm cả trăm năm, các cháu phải đối mặt với chính sự suy nghĩ lớn lao, những hoài bão, những giấc mơ hoang tưởng của chính mình.
2. Kinh doanh thật sự không đẹp như trên giấy. Start-up không phải như các bản Power-point hoặc Presentation hoành tráng sắc màu mà phải từ những việc làm cụ thể. Nên đi từ nhỏ đến phát triển từ từ, đừng bạo phát bạo tàn.
Ngày xưa bà lão khởi nghiệp từ chính sự giúp việc ban đầu cho doanh nghiệp của gia đình, từ việc làm sổ sách theo dõi đơn hàng (lúc 16 tuổi) đến khi đủ năng lực trở thành cô chủ nhỏ (lúc 18 tuổi) vẫn phải nương theo vốn liếng của bố mẹ. Khi đủ lông đủ cánh mới tự lực cánh sinh trong phong ba bão táp của thương trường và sự thay đổi của thời cuộc. Nhưng từ những khó khăn, thuận lợi đó mà có cơ hội khẳng định chính mình và vươn lên vững vàng.
3. Bây giờ đầu tư không chỉ thuần túy là trực tiếp kinh doanh sản xuất, mà còn đầu tư gián tiếp, mua cổ phần của các công ty niêm yết chứng khoán, nhưng phải theo dõi chặt chẽ dòng tiền của doanh nghiệp, nếu nợ gấp nhiều lần vốn thì rủi ro rất cao khi thị trường gặp sự cố (ví dụ chính sách ngăn sông cấm chợ, giãn cách thời covid 19 chẳng hạn...), hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng, một hình thức kinh doanh tài chính thông qua ngân hàng nhưng cũng phải chọn ngân hàng có sức khỏe lành mạnh, và cũng không nên gửi thời hạn dài quá, lỡ có việc cần thiết rút tiền ra thì chỉ mất ít tiền lãi thôi.
4. Ngoại trừ doanh nghiệp kinh doanh ngành vàng bạc đá quý, hoặc người tiêu dùng thật sự qua việc mua hàng trang sức. Bà lão thỉnh thoảng cũng thích mua cái dây chuyền, đánh cái nhẫn cho mình hoặc cho con cháu khi cưới hỏi. Nhưng tuyệt đối bà lão không có thói quen mua vàng dự trữ vì:
Vàng mà cất trong nhà rất nguy hiểm, sợ bị cướp, đi du lịch không an tâm, mà gửi vàng vào ngân hàng cũng lo rằng, chỉ có mình biết, lỡ có đau ốm hay đột quỵ thì mất toi.
Mà bây giờ nhiều sự giả tạo rất tinh vi, bằng cấp còn làm giả được (sự táo tợn của con người càng lúc càng gia tăng) vậy thì lượng vàng nhỏ xíu trong cái bọc nilong mà người bán dặn là không được làm rách sẽ mất giá, vậy thì chắc gì đó là thật. Cất kỹ nhiều năm sau giở ra xem mới biết là giả thì kiện ai.
Vàng tăng giá hay xuống giá thì một lượng để trong tủ vẫn là một lượng, có người mua để dành cả đời cũng không bán, vậy bản thân miếng vàng chẳng sinh lợi ra nhiều miếng vàng.
* Bà lão đông con, đông cháu nên khi có tiền là mua nhà (căn hộ hoặc nhà nhỏ) vì con cháu ngày càng sinh sôi. Bây giờ bà lão có 10 cháu nội ngoại còn nhỏ nhưng mai mốt chúng lấy vợ lấy chồng, an cư mới lạc nghiệp.
Sáng nay Chủ nhật, định làm thơ nhưng tự dưng lại viết tản mạn cuộc sống...
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.
Nguyễn Thị Sơn
10.12.2023
Lượt xem
Bày tỏ cảm xúc
0- 0
- 0
- 0
- 0
- 0
- 0